Wednesday 28 November 2012

Có gì khác nhau giữa một đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học và một đề tài luận án cấp tiến sĩ?



Một đề tài nghiên cứu ở cấp tiến sĩ thường được thực hiện trong thời gian trên dưới ba năm với mục đích đóng góp một vài hiểu biết mới mẻ trong một lĩnh vực khoa học nào đó.
Mục đích của đề tài giao sinh viên (bậc cử nhân) là tập luyện những thao tác cơ bản của người làm khoa học. Nếu có học hỏi thêm được kiến thức gì thì tốt. Sinh viên không cần phải tìm ra cái mới vẫn được chấm là đạt yêu cầu. Vì yêu cầu không cao, thời gian thực hiện từ vài tháng đến một năm cũng xong.
Không thầy nào giao đề tài tiến sĩ cho sinh viên bậc cử nhân tập nghiên cứu khoa học.
Bài báo đăng ở Tuổi Trẻ (http://tuoitre.vn/Giao-duc/522105/Nghien-cuu-nan-dua-phong-bi%C2%A0tai-benh-vien.html) là một bài báo đúng mực khi đưa tin về một bài tập nghiên cứu khoa học của sinh viên. Bài bốc (không phải blốc) đăng ở một trang web hải ngoại (http://nguyenvantuan.net/health/2-health/1601-phong-bi-y-te-co-the-hon-nua-ti-usd-moi-nam)  nâng bi đến mức lố bịch:
Một điều đáng nói ở đây là công trình này chỉ tốn hơn 2 triệu đồng, và tác giả chỉ mới là một sinh viên năm thứ 3. Chỉ hơn 2 triệu đồng mà em đã làm được một nghiên cứu có giá trị, chắc chắn có giá trị hơn hàng trăm nghiên cứu vô bổ nhưng với cấp “tiến sĩ”. Việc làm của em sinh viên này cũng là một cách trả lời cho những ai chỉ nói mà không dám làm, cho những ai đòi phải có tiền mới làm nghiên cứu có giá trị. Em Trần Thị Mai chứng minh cho họ thấy đó chỉ là những lời nguỵ biện cho sự lười biếng hay kém cỏi của họ. 
Ngay sau đó tác giả lại tỏ ra dè dặt chút đỉnh bằng cách bổ sung một số điều kiện:
Một là: Cần phải chú ý đến khía cạnh đạo đức khoa học.
Hai là: Tôi nghĩ nếu em có cơ hội tiếp cận y văn và phát triển đề cương nghiên cứu một cách chi tiết và hệ thống hơn (như Health Affairs chẳng hạn), đề tài của em hoàn toàn xứng đáng một luận án tiến sĩ.
Đoạn dưới chửi ngay đoạn trên. Với những điều kiện còn khuya mới với tới như vậy, công trình nho nhỏ này làm sao có thể được gọi là một nghiên cứu có giá trị, chắc chắn có giá trị hơn hàng trăm nghiên cứu vô bổ nhưng với cấp “tiến sĩ” ? Cả cái đoạn rất dài phía trên nếu không phải chỉ nhằm mục đích miệt thị miễn phí các luận án tiến sĩ trong nước thì là gì?
 Nhưng với kết quả hiện tại, tôi nghĩ em có thể viết thành một bài báo khoa học gửi đăng trên một tập san quốc tế. Tôi đoán mình cũng có thể tiếp em một tay nếu có dịp và có thì giờ.
Tập san quốc tế nào có thể đăng những kết quả hiện tại đó? Bốc giời cũng vừa phải thôi.

Giải Eureka là một sân chơi lành mạnh mà thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh dành cho sinh viên tập làm khoa học. Hội đồng giám khảo (theo thông tin trong bài báo trên) có một giáo sư dân tộc học, một giáo sư ngôn ngữ học, một giáo sư cổ văn Việt Nam. Không biết có người nào chuyên về thống kê hay không (trên ảnh thấy có ít nhất là hai người nữa) nhưng bài báo không đưa thông tin gì về việc đó mà chỉ tường thuật những gì mà nhà báo (qua lăng kính của mình) thấy là thích hợp. Tính cách của thành đoàn (yêu cầu) như vậy, hội đồng (hỏi) như vậy, sinh viên (trả lời) như vậy, nhà báo (đăng tin) như vậy... hà cớ gì ở tận bên Úc phải sướng lên để cộng cộng trừ trừ rồi ước tính rằng mỗi năm bệnh nhân đưa hối lộ cho bác sĩ và y tá khoảng 660 triệu USD? Tự mình đã biết rằng những con số gốc chưa biết đúng sai ra sao thì sao không biết con số 600 triệu đô la là nhảm? Nếu biết là nhảm sao còn viết ra?

==
Bổ sung:
Tôi vừa tìm ra lý lịch khoa học của vị thành viên thứ tư trong hội đồng giám khảo. Đó là một giáo sư xã hội học đô thị, am hiểu phương pháp thống kê trong nghiên cứu khoa học xã hội. Ông là người có những nhận xét thỏa đáng hơn cả trong số các nhận xét được Tuổi Trẻ dẫn lại về giá trị của công trình. Các vị giáo sư thống kê loãng xương có lẽ chỉ cần đọc và hiểu được lời nhận xét của vị giáo sư đó cũng đủ hiểu là bài nghiên cứu của sinh viên Trần Thị Mai không thể đem vào ấn phẩm quốc tế được kể cả khi có dịp và có cả thì giờ.

No comments:

Post a Comment