Friday 6 February 2015

Đã biết từ ngữ xuất phát từ toán học thì nên tìm hiểu xem trong toán học người ta dùng từ ngữ như thế nào




Học sinh lớp 7 phổ thông biết:
Đa thức (tiếng Anh là polynomial) là tổng của các đơn thức (tiếng Anh là monomial).
Đa thức gồm hai hạng tử (tiếng Anh là term), tức là tổng của hai đơn thức, gọi là nhị thức (tiếng Anh là binomial).

David Crystal (2011:55) giải thích thuật ngữ binomial như sau:
A term from mathematics (where it refers to an expression consisting of two elements connected by a plus or a minus sign)
Ý ông muốn nói đó là một thuật ngữ xuất phát từ toán học (chỉ biểu thức tổng của hai hạng tử).

Trần Thủy Vịnh (2013:69) viết:
Thuật ngữ xuất phát từ toán học (chỉ một biểu đạt hai thành phần được liên kết bằng một dấu cộng hay một dấu trừ),

Bản dịch của Google mềm mại hơn:
Một hạn từ toán học (nơi mà nó đề cập đến một biểu thức bao gồm hai yếu tố kết nối bởi một cộng hoặc dấu trừ)

Thursday 5 February 2015

PGS.TS Lê Khắc Cường: Cần giữ gìn tiếng Việt! (Thiên Thanh - Năng Lượng Mới)


Bản in Bản in  

PGS.TS Lê Khắc Cường: Cần giữ gìn tiếng Việt!

(PetroTimes) - Tiếng lóng, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ mạng đang xâm thực các trang văn học trò cũng như việc sử dụng tiếng Anh một cách tùy tiện ở nước ta hiện nay… làm rất nhiều người lo lắng. Theo PGS.TS Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường (Trưởng khoa Việt Nam học ĐH Khoa học - Xã hội & Nhân văn TP HCM) bên cạnh các giải pháp thì mỗi người cần có ý thức trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

>> Yêu nước thì không như thế!
Năng lượng Mới số 294
PV: Hiện nay, nhiều học sinh phổ thông sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ của mạng xã hội quá nhiều làm cho tiếng Việt bị méo mó, ông cho rằng ngành giáo dục cần có những giải pháp gì để khắc phục?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Thời nào chẳng có… tán gẫu! Vì vậy lỗi không phải ở chat hay mạng xã hội. Nó chỉ là những phương tiện để người ta viết cho nhau… “tán” với nhau. Chỉ có điều là hiện nay những chia sẻ vốn riêng tư hoặc chỉ trong nội bộ một nhóm như thế phát tán nhanh hơn nhờ có mạng mà thôi. Khi trao đổi với nhau bằng máy tính, người viết có thể sử dụng rất nhiều ký hiệu (symbol) có trên bàn phím hoặc trong các bộ gõ để có thể… tùy ý diễn đạt theo cách của mình và nhóm mình. Thật ra nó cũng chỉ là một là dạng tiếng lóng. Đâu phải bây giờ mới có tiếng lóng! Sở dĩ người ta lo ngại bởi trước đây tiếng lóng thường chỉ khu trú trong nội bộ một hoặc một vài nhóm thì nay nó lan ra cộng đồng nhanh chóng hơn nhờ Internet.
Nhan nhản các biển hiệu tiếng Anh trên một khu phố ở TP HCM
Ngành giáo dục cần làm gì ư? Ai cũng có thể có đề nghị này, đề xuất kia với ngành, nhưng theo tôi, chuyện này không chỉ của riêng ngành giáo dục. Bạn có tin rằng, để ngăn thì ngành chỉ cần ban hành vài quy định mang tính hành chính là xong? Nếu thấy đây là một hiện tượng nghiêm trọng thì cả xã hội phải vào cuộc. Đặc biệt là gia đình cần khuyên bảo con cái nếu thấy chúng sa đà vào những câu chữ, ký hiệu kỳ dị. Về phía tôi, tôi nghĩ không nên làm ầm ĩ chuyện này. Các bạn trẻ thường thích cái mới, nhưng cũng chóng chán. Rồi họ sẽ quên những cách diễn đạt đó, vì nó không tự nhiên. Đặc biệt là khi các bạn trẻ trưởng thành, họ khó có thể sử dụng chúng do không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, cũng phải hiểu rằng ngôn ngữ toàn dân không chấp nhận một cách dễ dàng việc du nhập những cách diễn đạt khác thường vào hệ thống của mình.
PV: Bên cạnh đó là việc sử dụng tiếng Anh trên đất nước mình chưa hợp lý. Trong không ít bài báo, trên truyền hình, trên quảng cáo, trên biển hiệu đường phố, trong giao tiếp, ở một số khách sạn, các bảng hướng dẫn cho khách cũng chỉ dùng toàn tiếng Anh chứ không dùng tiếng Việt. Nhiều người cho đó là điều cần thiết trong quá trình hội nhập, nhưng nhiều người khác cho rằng đây là sự tự ti, thiếu tinh thần dân tộc, tự hào về tiếng Việt. PGS nghĩ gì về chuyện này?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Đây là chuyện mà nhiều nhà giáo dục, nhiều phụ huynh đã nhiều lần lên tiếng, bày tỏ mối quan ngại đối với sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi biết không chỉ ở nước ta mà nhiều nước khác cũng như vậy. Hầu hết sinh viên người nước ngoài đang học tại Khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH&NV cũng chêm tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, trong giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Trong đó, có rất nhiều sinh viên từ những nước phát triển cũng dùng tiếng Anh bên cạnh tiếng mẹ đẻ của họ. Vì vậy không thể bảo là việc họ dùng tiếng Anh là “tự ti”. Có thể đấy cũng là một hiện tượng (tôi chưa dám nói là “xu thế”) trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay.
Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng đều thấy khó chịu khi trên báo chí tiếng Việt nhan nhản những từ tiếng nước ngoài. Việc lạm dụng ngoại ngữ của nhiều nhà báo, nhiều tờ báo là không thể chấp nhận. Nhiều trường hợp tiếng Việt hoàn toàn đủ khả năng diễn đạt nhưng họ vẫn sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp… thì đúng là kỳ quái! Thậm chí một từ gốc là tiếng nước ngoài nhưng được Việt hóa từ lâu và viết theo cách của tiếng Việt khiến có lúc ta quên bẵng gốc gác của nó là “cà phê” (trong so sánh với cà pháo, cà chua, cà chớn, cà giựt…) thì nhiều tờ báo cứ viết “café” hoặc “coffee” mới chịu!
Về cấp độ vĩ mô, cần quản lý chặt hơn việc sử dụng tiếng nước ngoài trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông đại chúng phải biết tiết chế tiếng nước ngoài khi viết. Nhưng căn cơ hơn là mỗi người trong chúng ta phải có ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
PV: Hiện nay, vấn đề văn phạm và chính tả trong tiếng Việt cũng có quá nhiều sai phạm. Trên sách báo, một số phóng viên, biên tập viên hầu như không chú ý đến văn phạm, chính tả nên có nhiều sai sót gây phản cảm cho người đọc, ông có thấy khó chịu không?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Đúng là chính tả của chúng ta hiện vẫn còn nhiều chỗ chưa thống nhất. Quan điểm về phiên âm hay giữ nguyên dạng tiếng nước ngoài trên sách báo của ta mỗi nơi mỗi khác. Đấy là những chuyện đáng buồn nhưng chuyện này có thể giải quyết được. Cần nhất là có văn bản. Hy vọng sắp tới Viện Ngôn ngữ học sẽ có những đề xuất thỏa đáng đối với việc thống nhất chính tả.
PV: Với kinh nghiệm của một giảng viên ngôn ngữ học, theo PGS trong khoảng 10 năm trở lại đây, tiếng Việt có những biến đổi như thế nào?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên cũng thay đổi cùng với những thay đổi của xã hội. Mười năm qua là giai đoạn ngôn ngữ có những thay đổi lớn. Câu văn tiếng Việt ngày càng ngắn hơn. Khoảng năm 2000, tôi có thống kê về độ dài của câu trên 2.000 số báo của 4 tờ báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Người Lao động, Phụ nữ, Thanh niên. Kết quả khá “sốc”, hơn 39 từ/câu. Quá dài so với độ dài trung bình lý tưởng (16 từ/câu). Nay thì con số này là khoảng 29 từ/câu. Báo mạng còn ngắn hơn, khoảng 20-25 từ/câu.
Về từ ngữ thì hiện tượng đáng lưu ý là sự ra đời của rất nhiều từ ngữ mới hoặc được “tích hợp” thêm nét nghĩa mới: “khủng”, “hàng” (show hàng, khoe hàng), “đinh”, “phượt”, “chân dài”, “đại gia”; đặc biệt là những thành ngữ mới xây dựng theo kiểu đồng âm như “sát thủ đầu mưng mủ”, “chán như con gián”, “buồn như con chuồn chuồn”… hoặc liên tưởng ngữ nghĩa ngộ nghĩnh như “được voi đòi Hai bà Trưng”, “cố quá thành quá cố”, “xấu nhưng kết cấu nó đẹp”… Những từ ngữ mới này được sử dụng khá nhiều trên báo khiến câu văn sinh động hơn.
PV: Hiện là Trưởng khoa Việt Nam học, nơi có bề dày kinh nghiệm và uy tín trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam trong 15 năm qua, PGS thấy vai trò và vị thế của tiếng Việt hiện nay ra sao?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Bên cạnh việc đào tạo bậc cử nhân và bậc thạc sĩ, một hoạt động nổi bật của Khoa Việt Nam học trong 15 năm qua là tổ chức các khóa ngắn hạn về tiếng Việt và các chuyên đề Việt Nam học cho người nước ngoài đang làm việc tại TP HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác ở phía nam. Hiện nay khoa là cơ sở đào tạo có đông học viên người nước ngoài nhất tại Việt Nam. Tính từ năm 1998 đến tháng 11/2013 đã có 34.813 lượt học viên đến từ 73 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi danh học tại khoa, trung bình 2.300 học viên/năm. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không phải là khẩu hiệu mà là một công việc hằng ngày của mỗi thầy cô ở khoa chúng tôi.
Có thể khẳng định, Khoa Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM đã góp phần tích cực trong việc nâng cao vị thế của tiếng Việt trên trường quốc tế. Tiếng Việt đã trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy tại khá nhiều trường đại học và trung học trên thế giới. Mới đây nhất là tháng 5/2013, do nhu cầu học tiếng Việt tăng và do mối quan hệ giữa Hàn Quốc - Việt Nam ngày càng được tăng cường, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chính thức công nhận tiếng Việt là 1 trong 9 ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh đại học tại quốc gia này. Hiện nay, nhiều trường đại học ở Hàn Quốc đã có khoa tiếng Việt, còn ở bậc phổ thông thì Trường Trung học Ngoại ngữ Chungnam (ở thành phố Choenan, gần Seoul) cũng đã thành lập khoa tiếng Việt từ năm 2000.
PV: Cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!

Wednesday 4 February 2015

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO S

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013



QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,[1]

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 2.[2] Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.




Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Website của Bộ GDĐT;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, PC, NGCBQLGD.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga



QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 174 /2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2. Quy định này được áp dụng đối với nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ (gọi chung là từ trình độ đại học trở lên) ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

3. Các giáo sư, phó giáo sư đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong, công nhận hoặc bổ nhiệm trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục giữ chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 2. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Sử dụng thành thạo ngoại ngữ” trong chuyên môn được xác định bởi các nội dung sau (cho cùng một ngoại ngữ):

a) Đọc hiểu được các tài liệu chuyên môn viết bằng ngoại ngữ;

b) Viết được các bài báo chuyên môn bằng ngoại ngữ;

c) Trao đổi (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ.

2. “Giao tiếp được bằng tiếng Anh” tức là diễn đạt được những điều muốn trình bày cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác nói bằng tiếng Anh.

3. Thâm niên đào tạo là thời gian làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tính theo năm, tháng. Mỗi năm gồm 12 tháng.

Điều 3. Thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2. Thủ tục miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm việc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 4. Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện hằng năm căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

2. Việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư căn cứ vào nhu cầu công việc, cơ cấu đội ngũ giảng viên của cơ sở giáo dục đại học, việc giao nhiệm vụ và quyền cho giáo sư, phó giáo sư được quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy định này.

Điều 5. Nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư

1. Thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên: giảng dạy; biên soạn chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo; hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, chuyên đề và luận án tiến sĩ và những nhiệm vụ chuyên môn khác do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học giao.

3. Nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học.

4. Bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho tổ, nhóm chuyên môn.

5. Hợp tác với đồng nghiệp trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học về công tác chuyên môn, tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các công tác khác.

6. Quản lý và tổ chức các sinh hoạt học thuật của bộ môn, nếu được cử làm trưởng bộ môn.

Điều 6. Quyền của giáo sư và phó giáo sư [3]

1. Được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục; được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Đối với nhà giáo thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học công lập:

a) Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư - giảng viên cao cấp (mã ngạch 15.109) và được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng; trường hợp đã hưởng lương ở ngạch giáo sư - giảng viên cao cấp được xếp lên một bậc lương liền kề.

b) Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư thì được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư - giảng viên chính (mã ngạch 15.110) và được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng; trường hợp đã hưởng lương ở ngạch phó giáo sư - giảng viên chính được xếp lên một bậc lương liền kề.

c) Nhà giáo đã hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đã hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch được bổ nhiệm thì được tính thêm 5% phụ cấp thâm niên vượt khung.

d) Thời gian nâng bậc lương lần sau đối với nhà giáo đã hưởng lương hoặc phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch được bổ nhiệm tính từ khi có quyết định nâng bậc lương hoặc nâng mức phụ cấp thâm niên vượt khung gần nhất trước khi được bổ nhiệm và xếp lương mới. Thời gian nâng bậc lương lần sau đối với nhà giáo được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch mới tính từ khi có quyết định bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch mới.

đ) Việc bổ nhiệm và xếp lương theo quy định tại điểm a, b, c và d của khoản này được thực hiện theo phân cấp hiện hành của Nhà nước. Đối với nhà giáo đã được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2009, 2010 và 2011 thì được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch giáo sư - giảng viên cao cấp, phó giáo sư - giảng viên chính kể từ khi quyết định này có hiệu lực.

3. Các cơ sở không phải cơ sở giáo dục đại học công lập thì vận dụng các quy định tại khoản 2 Điều này để thực hiện chế độ đãi ngộ phù hợp đối với nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 7. Hội đồng Chức danh giáo sư

1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

a) Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư;

b) Thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gồm: Chủ tịch hội đồng, một Phó Chủ tịch hội đồng, Tổng thư ký và các ủy viên. Các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có chức danh giáo sư. Tổng thư ký hội đồng làm việc theo chế độ chuyên trách. Các thành viên khác của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

c)[4] Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có con dấu hình quốc huy và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là các hội đồng chuyên môn, do Chủ tịch hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quyết định thành lập để giúp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở.

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 8. Tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ.

3.[5] Có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở (sau đây gọi tắt là ngày hết hạn nộp hồ sơ).

Nếu đã có bằng tiến sĩ nhưng chưa đủ 36 tháng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thì phải có số công trình khoa học quy đổi gấp hai lần tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều này.

4.[6] Có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.

Đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục đại học, có tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là có thành tích khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc).

5.[7] Có báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo dưới dạng một công trình khoa học tổng quan trình bày ý tưởng khoa học, hướng nghiên cứu chính, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và đào tạo của tác giả từ sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ đối với người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư hoặc từ sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đối với người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư.

6.[8] Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.

7. Đạt từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, đạt từ ba phần tư số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và đạt từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Điều 9. Tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư

1. Đạt tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 8 của Quy định này.

2.[9] Đã có ít nhất 6 năm, trong đó 3 năm cuối liên tục, tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ làm nhiệm vụ giảng dạy từ trình độ đại học trở lên đủ số giờ chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với nhà giáo đã có trên 10 năm làm nhiệm vụ giảng dạy liên tục từ trình độ đại học trở lên ở cơ sở giáo dục đại học tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ, nếu trong ba năm cuối có thời gian đi thực tập nâng cao trình độ hoặc tu nghiệp không quá 12 tháng thì thời gian đi thực tập này không tính là thời gian gián đoạn của ba năm cuối.

Nhà giáo chưa đủ sáu năm làm nhiệm vụ giảng dạy từ trình độ đại học trở lên thì phải có số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất gấp hai lần tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 8 của Quy định này và ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đang giảng dạy từ trình độ từ đại học trở lên đủ số giờ chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhà giáo có bằng tiến sĩ khoa học hoặc bằng tiến sĩ chưa đủ 36 tháng như quy định tại khoản 3 Điều 8 của Quyết định này thì phải có ít nhất một năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đang trực tiếp giảng dạy từ trình độ đại học trở lên đủ số giờ chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.[10] Hướng dẫn chính ít nhất hai học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Đối với các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành Nghệ thuật chưa đào tạo trình độ thạc sĩ thì tiêu chuẩn này có thể được xem xét và thay thế bằng các công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng lớn ở trong nước hoặc nước ngoài của cá nhân, hoặc có sinh viên do nhà giáo trực tiếp hướng dẫn chính được giải thưởng cao ở trong và ngoài nước về thành tích nghiên cứu và học tập.

4. Chủ trì ít nhất hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

5.[11] Đối với những trường hợp đặc biệt, những người có đóng góp nổi trội, xuất sắc cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước và thế giới, tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực khoa học có thể xét đặc cách các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8, Điều này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định.

Điều 10. Tiêu chuẩn chức danh giáo sư

1. Đạt tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 8 của Quy định này.

2. Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư có thời gian từ đủ 3 năm trở lên tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

3.[12] Hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Đối với các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành Nghệ thuật chưa đào tạo trình độ tiến sĩ thì tiêu chuẩn này có thể được xem xét và thay thế bằng các công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng lớn ở trong nước hoặc nước ngoài của cá nhân, hoặc có sinh viên do nhà giáo trực tiếp hướng dẫn chính được giải thưởng cao ở trong và ngoài nước về thành tích nghiên cứu và học tập.

4. Biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Sách phải được xuất bản, nộp lưu chiểu trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

5. Chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

6.[13] Đối với những trường hợp đặc biệt, những người có đóng góp nổi trội, xuất sắc cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước và thế giới, tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực khoa học có thể xét đặc cách các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8, Điều này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định.

Chương III

THỦ TỤC BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Mục 1. CÔNG NHẬN ĐẠT TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 11. Đối tượng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên.

2. Những người đang tham gia làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học.

Điều 12. Đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư [14]

Nhà giáo thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, đăng ký và nộp hồ sơ tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở đó. Nhà giáo thuộc các đơn vị, nơi không có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, thì đăng ký tại Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Điều 13. Thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở

1. Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo trình tự sau:

a) Mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản; mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản;

b) Trao đổi công khai về các ý kiến của những người thẩm định, đánh giá và kết luận đối với từng hồ sơ.

c) Nghe từng người đăng ký xét chức danh trình bày bản báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và báo cáo kết quả đào tạo.

d) Xác định trình độ ngoại ngữ của từng người đăng ký.

đ) Thảo luận và thông qua danh sách những người đăng ký đủ điều kiện để đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm;

e) Biểu quyết tín nhiệm bằng phiếu kín cho những người đăng ký.

2.[15] Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, lấy xác nhận của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học nơi có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, gửi kết quả xét và toàn bộ hồ sơ của các ứng viên lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đồng thời thông báo đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo.

3.[16] (Được bãi bỏ)

Điều 14. Thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành

1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phân loại hồ sơ và chuyển cho các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành.

2.[17] Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo trình tự như ở Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 13, sau đó báo cáo kết quả xét và chuyển toàn bộ hồ sơ cho hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Điều 15. Thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xét của các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành, quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo.

2. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của Hội đồng ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, chức danh phó giáo sư cho các nhà giáo.

Mục 2. BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 16. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư [18]

1. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư:

a) Những người đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư;

b) Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

2. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư:

a) Những người đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư;

b) Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư hoặc phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Điều 17. Trình tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Cơ sở giáo dục đại học thông báo công khai số lượng giáo sư, phó giáo sư ở các ngành mà đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm theo cơ cấu đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

2. Nhà giáo thuộc đối tượng quy định tại Điều 16 của Quy định này có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc chức danh phó giáo sư nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục đại học.

3.[19] Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học, ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, sau đó báo cáo lên Thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.[20] Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các giáo sư, phó giáo sư đã được bổ nhiệm. Định kỳ 3 năm một lần, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các giáo sư, phó giáo sư để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.

5.[21] (Được bãi bỏ).

Chương IV

THỦ TỤC MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Mục 1. HỦY BỎ CÔNG NHẬN ĐẠT TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 18. Đối tượng bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Những người đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; những người đã được phong hoặc được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành bị phát hiện và xác định là không đủ tiêu chuẩn quy định tại thời điểm được phong hoặc công nhận.

2. Những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp hoặc đã bị thu hồi hoặc tước bằng tiến sĩ thuộc ngành chuyên môn của chức danh giáo sư, phó giáo sư.

3. Những người đã bị kỷ luật buộc thôi việc.

4. Những người bị tòa án phạt tù giam hoặc án treo, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Điều 19. Thủ tục hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xác minh những trường hợp thuộc đối tượng bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2.[22] Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thẩm định và quyết nghị bằng lấy phiếu kín từng trường hợp bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Nghị quyết có giá trị thực hiện nếu có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tán thành.

3. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ quyết nghị của Hội đồng ra quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo, cho các cơ sở giáo dục đại học và cho người bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh hoặc cho người bị tước bỏ công nhận chức danh.

Mục 2. MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 20. Đối tượng miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Những người đã được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao quy định tại Điều 5 của Quy định này.

2. Những người đã bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

3. Những người được phong, công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Điều 21. Trình tự miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

1. Trưởng khoa hoặc trưởng bộ môn trực thuộc trường căn cứ ý kiến của bộ môn đề nghị Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học về việc miễn nhiệm đối với từng giáo sư hoặc phó giáo sư thuộc đối tượng miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư quy định tại khoản 1 Điều 20 của Quy định này.

2. Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học xem xét đề nghị của trưởng khoa đối với từng trường hợp đề nghị miễn nhiệm và có ý kiến bằng văn bản gửi Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học.

3.[23] Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học ra quyết định miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động với người đã có quyết định miễn nhiệm, báo cáo Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.[24] (Được bãi bỏ).

5.[25] (Được bãi bỏ).

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Hướng dẫn thực hiện việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định tại Văn bản này.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ việc thực hiện quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và hủy bỏ kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, việc tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, việc thực hiện thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định tại Điều 23 của Văn bản này.

3. Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xây dựng và trình Chính phủ quyết định ban hành các chính sách, chế độ cho giáo sư và phó giáo sư.

Điều 23. Trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo sư, phó giáo sư đã được bổ nhiệm tại cơ sở, tạo điều kiện cần thiết để các giáo sư, phó giáo sư hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đảm bảo các quyền của giáo sư, phó giáo sư theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Văn bản này.

Điều 24. Khiếu nại, tố cáo

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.





[1] Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết  định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.”

[2] Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012 quy định như sau:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.”

[3] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[4] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[5] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[6] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[7] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[8] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[9] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[10] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[11] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[12] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[13] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[14] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[15] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[16] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[17] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[18] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[19] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[20] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[21] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[22] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[23] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.

[24] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.


[25] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tưởng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2012.