Friday, 30 November 2012

Phiếm đàm về “òa” và “oà” (Phan Anh Dũng)


Phiếm đàm về “òa” và “oà”

Thứ Hai, 10/01/2011 14:14 (GMT+7)
Người viết vừa “Google” vài từ để kiểm tra kết quả cuộc cải cách chữ viết nho nhỏ, hình như do nhóm nào đó khởi xướng khoảng 20 năm trước, về dấu trên các vần oa, oe, uy…
Và đây là kết quả:
Khoảng 23.500.000 kết quả (0,22 giây) cho “hòa bình”
Khoảng 8.780.000 kết quả (0,27 giây) cho “hoà bình”
Khoảng 6.970.000 kết quả (0,21 giây) cho “thỏa mãn”
Khoảng 2.860.000 kết quả (0,23 giây) cho “thoả mãn”
Khoảng 1.400.000 kết quả (0,15 giây) cho “giải tỏa”
Khoảng 1.440.000 kết quả (0,22 giây) cho “giải toả”
Khoảng 1.770.000 kết quả (0,27 giây) cho “khỏe mạnh”
Khoảng 1.990.000 kết quả (0,28 giây) cho “khoẻ mạnh”
Khoảng 576.000 kết quả (0,33 giây) cho “tung tóe”
Khoảng 224.000 kết quả (0,36 giây) cho “tung toé”
Khoảng 565.000 kết quả (0,34 giây) cho “mánh khóe”
Khoảng 135.000 kết quả (0,27 giây) cho “mánh khoé”
Khoảng 1.890.000 kết quả (0,16 giây) cho “tùy ý”
Khoảng 452.000 kết quả (0,40 giây) cho “tuỳ ý”
Khoảng 165.000 kết quả (0,27 giây) cho “thành lũy”
Khoảng 92.800 kết quả (0,34 giây) cho “thành luỹ”
Khoảng 437.000 kết quả (0,32 giây) cho “tiều tụy”
Khoảng 94.800 kết quả (0,32 giây) cho “tiều tuỵ”
Khoảng 80.700 kết quả (0,22 giây) cho “túy lúy”
Khoảng 26.000 kết quả (0,29 giây) cho “tuý luý”
Khoảng 246.000 kết quả (0,22 giây) cho “lũy kế”
Khoảng 386.000 kết quả (0,36 giây) cho “luỹ kế”
Chịu khó phân tích thấy cũng có nhiều thông tin từ các con số khô khan của Google:
1. Các từ càng phổ thông, càng có xu hướng viết kiểu cũ như “hòa bình”, “thỏa mãn”… Các từ ít phổ thông có lẽ khiến người viết phải cân nhắc lại chính tả khi viết nên xu hướng viết kiểu mới lại thắng thế như “giải toả”…
Tuy nhiên, cũng có người đưa ra ý kiến cho rằng “Không phải vậy, người ta quen viết kiểu cũ, viết kiểu mới là vì từ thời máy tính được dùng phổ biến thay máy chữ soạn thảo văn bản, thì các bộ gõ bị đặt mặc định kiểu gõ mới, nên họ buộc phải theo thôi, quay lui sửa mệt chứ không phải thích kiểu bỏ dấu mới! Chẳng hạn nếu không bật về kiểu gõ cũ thì khi muốn gõ “hòa” sẽ phải gõ “hò a” có dấu cách ở giữa, rồi quay lui 1, xóa dấu cách, rồi lại tiến lên 1, tính ra phải thêm đến 4 lần bấm phím”
2. Chịu khó xem viết trong văn bản nào, có thể thấy các tác phẩm văn học thường in theo kiểu cũ
3. Các từ thuộc nhóm KHXH thiên về kiểu cũ (75% cho túy lúy)
4. Các từ nhóm KHKT lại nghiêng theo kiểu mới (61% cho luỹ kế)
5. Xu hướng viết cân đối mỹ thuật vẫn còn nhiều người ủng hộ: kết quả về tiều tụy/tiều tuỵ ở trên cho thấy rõ là khi kiểu viết mới mất cân đối rõ rệt thì tỷ lệ ủng hộ rất thấp (chỉ có 18% cho tiều tuỵ). Khi cắt khẩu hiệu, băng rôn treo ngoài đường phố thì chữ rất to, vấn đề cân đối cũng thấy rõ nên xu hướng chọn kiểu viết cũ cũng thắng thế, xem dạng font cỡ lớn ở dưới sẽ hiểu:
HÒA , HOÀ
Với tình hình khảo sát thống kê ở trên, người viết trộm nghĩ giá hồi xưa người ta đừng đứng ra phát động cuộc cải cách về dấu trên các vần oa, oe, uy thì biết đâu chính tả tiếng Việt bây giờ sẽ đỡ lộn xộn hơn? Người viết từng có dịp trao đổi với cụ Nguyễn Tài Cẩn, GS đầu ngành ngôn ngữ học của Việt Nam. Khi  nhắc tới vấn đề này, thì thấy GS có vẻ không quan tâm và không bình luận đúng sai gì cả. Cá nhân người viết cho rằng đặt dấu trên nguyên âm chính có vẻ “khoa học” hơn, nhưng những người đặt dấu trên âm đệm -o-, -u- cũng có cái lý của họ (mà không cần viện dẫn lý do “cân đối”, “mỹ thuật” đâu nhé).
Vấn đề là, thanh điệu vốn là thuộc tính của cả từ chứ không phải là “độc quyền” của nguyên âm chính. Do quán tính vật lý của bộ máy phát âm nên khó có thể ngay lập tức thay đổi cao độ của từ chỉ trong khoảng thời gian ngắn của âm chính, nên các âm đệm trước (-o-,-u-) và sau âm chính (như -i ở vần -ai, -oi) ít nhiều cũng tham gia vào việc thể hiện thanh điệu. Ngay cả phát âm các phụ âm cuối cũng có thể biến đổi ít nhiều phụ thuộc vào thanh điệu cả từ.
Có lẽ những người phát minh dấu điện tín tiếng Việt (telex) cũng đã nắm khá rõ vấn đề này nên quy tắc điện tín chuẩn thời xưa là bỏ dấu (f,j,r,s,x) ở cuối từ, chứ không phải đính sau một nguyên âm nào cả. Người viết nhớ, khi nhóm cải cách muốn “giác ngộ” quần chúng, họ đã yêu cầu thử đọc tách rời hò-a và ho-à để xem cách nào sát âm “hòa” hơn… Quả thực ho-à sát hơn, nhưng cách làm đó chưa công bằng, vì tách âm đúng hơn nữa phải là hò-à, dấu không thuộc riêng một nguyên âm nào.
Như vậy viết “hòa” theo kiểu cũ, cho dấu nằm ngay giữa từ, chính là để nhắc người đọc rằng dấu thanh vốn thuộc về cả từ, cũng có logic lắm chứ? Nếu thực sự cần phát động một cuộc “cách mạng chữ viết” thì còn rất nhiều cái đáng phải sửa chữa hơn là quy tắc bỏ dấu trên 3 vần đó. Chẳng hạn:
  • Trong các vần -ay, -au thì “a” là nguyên âm a ngắn, chính tả thông thường viết là “ă”. Như vậy tau, say, mày, mau… phải viết tău, săy, mằy, mău… Khi đọc thấy điều “nằy” trong cuốn giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Cẩn, người viết rất bất ngờ, té ra lâu “năy” mình dốt.
  • Trong các vần -ay, -au khó nhận ra nguyên âm nào là âm chính, nhưng dựa vào các ví dụ như ni = nay, thu = thâu thì lại có thể cho rằng âm chính là -y và -u? Như vậy, nếu theo logic dấu phải đặt trên âm chính thì lại phải sửa thêm rất nhiều trường hợp như mày => măỳ, máu => măú…
  • Tiếng Việt còn nhiều cặp nguyên âm kép khá cân bằng về độ dài và cường độ tương đối, rất khó nhận ra âm nào là chính. Như vậy, nếu yêu cầu phải đặt dấu trên âm chính thì sẽ rất khó cho người bình thường không có máy móc kỹ thuật đo đạc chính xác trường độ, cường độ, tần số âm thanh…?
  • Phụ âm “Ph” có bật hơi thời Alexandre De Rhodes hầu như đã biến mất khỏi tiếng Việt, chuyển thành “F”, nên chính tả hiện đại phải là “F”.
  • Âm đệm -o-, -u- thực chất chỉ là một, có thể viết là -w- . Nhưng trong một số vần như -oi , -ui thì -o-, -u- lại là âm chính chứ không phải âm đệm, nên nếu cải cách thì có lẽ vấn đề sẽ rất phức tạp, bởi tùy địa phương và thời đại mà có thể nguyên âm thứ nhất mạnh hơn (là âm chính) hay suy giảm (trở thành âm đệm).
  • “Q” nên viết là “K”?
  • “Gi” có thể viết là “j”, “d” là “z”, “đ” là “d” .v.v…
  • So với các vấn đề “nằy” thì chuyện “òa”, “oà” là chuyện nhỏ, nhưng nói ra cũng dễ bị… “chọi đá”. Đã làm cách mạng thì phải triệt để. Cuộc cải cách nửa vời nói trên đã gây ra tình trạng hỗn loạn không đáng có cho chính tả tiếng Việt thời @!
Nhân tiện bàn thêm: Vấn đề truyền thống văn hóa cũng rất quan trọng. Chữ quốc ngữ đã có lịch sử gần 500 năm, văn học viết bằng chữ quốc ngữ cũng đã có hơn một thế kỷ, nếu vứt bỏ để theo hệ thống chính tả mới, các tiểu thuyết, thi ca thời tiền chiến sẽ phải đem ra phiên dịch lại? Có lẽ lý do tương tự mới giải thích được vì sao người Anh, Mỹ không cải tiến chính tả tiếng Anh dù chính tả tiếng Anh đã nổi tiếng thế giới về lối viết một đằng, đọc một nẻo?

1 comment:

  1. Thanh điệu bao trùm lên toàn bộ âm tiết, có thuộc riêng đoạn nào đâu? Bỏ dấu chỗ nào chẳng được?

    ReplyDelete