Cập nhật: 07:02 GMT - thứ sáu, 9 tháng 11, 2012
Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa khai mạc hôm thứ Năm 8/11 tại Bắc Kinh với báo cáo chính trị của Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Bản báo cáo chính trị đồ sộ này đang là tâm điềm phân tích và bình luận của các nhà quan sát.
Chuyên gia Tiền Cương từ Đại học Hong Kong cho biết một vài nhận định của ông.
Ông Tiền Cương chủ trương phân tích ý tứ của văn bản thông qua 10 cụm từ khóa. Đó là
1. Bốn nguyên tắc, trong đó có tư tưởng Mao Trạch Đông
2. Giữ ổn định
3. Cải cách chính trị
4. Cách mạng văn hóa
5. Quyền lực nhân dân
6. Quyền đưa ra quyết sách, quyền chấp hành và quyền giám sát
7. Dân chủ trong Đảng
8. Xây dựng xã hội
9. Tư duy khoa học trong phát triển
10. Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc
Từ việc tìm kiếm các cụm từ này, ông Tiền cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giữ quan điểm về các vấn đề chính yếu như sau:
Cụm từ "Bốn nguyên tắc cơ bản" (bao gồm Tư tưởng Mao Trạch Đông):
Được cho như biểu thị ảnh hưởng của cánh tả Maoist ở Trung Quốc. Nếu như cụm từ này biến mất hoàn toàn, thì đó có thể là chỉ dấu rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản thực sự có ý định thúc đẩy cải cách chính trị.
Nếu cụm từ này được sử dụng rộng rãi, như chúng ta chứng kiến hồi năm 2007, hoặc chỉ giảm đi chút ít thì điều này có nghĩa rằng tình hình không có gì biến chuyển và công cuộc cải cách không có tiến bộ gì.
Trong báo cáo chính trị của ông Hồ Cẩm Đào, cụm từ Bốn nguyên tắc và Tư tưởng Mao Trạch Đông tiếp tục xuất hiện.
"Giữ ổn định":
Cụm từ này không xuất hiện trong các điểm chính của báo cáo chính trị, do vậy nó không cho thấy một sự quay ngoặt trong chính sách của Trung Quốc.
"Cách mạng văn hóa":
Cụm từ này cũng không xuất hiện trong các chủ đề chính của báo cáo chính trị. Nếu như lãnh đạo Đảng tỏ ra ăn năn về cuộc cách mạng văn hóa trước kia thì đây có thể là dấu hiệu tích cực rằng đang có chuyển biến tốt về cải cách chính trị. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
“Cải cách chính trị”:
Thực tế trong báo cáo chính trị các kỳ đại hội từ 13 tới 16, cụm từ này đã xuất hiện trong văn bản. Đại hội 17 năm 2007 nó không được cho vào báo cáo chính trị của ông Hồ Cẩm Đào.
Cần xem xét tần số xuất hiện của cụm từ này, cũng như các cụm từ "bảo vệ quyền lợi, giám sát quyền lực" để thấy liệu xu hướng cải tổ cải cách có đi lên hay không, trong khi nếu các cụm từ như 'chống Tây hóa' hay 'Năm không' của giới bảo thủ được sử dụng thi ̀đây sẽ là chỉ dấu xu hướng đi xuống.
Trong báo cáo chính trị của ông Hồ Cẩm Đào tại Đại hội 18, chương 5 có tựa đề: “Tiếp tục con đường phát triển Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc và thúc đẩy cải cách chính trị".
Không có các cụm từ thủ cựu về chống phương Tây nhưng báo cáo chính trị lại có câu: "Chúng ta nhất định không theo hình mẫu hệ thống chính trị Tây phương", vốn chưa thấy trong báo cáo chính trị năm 2007.
Báo cáo chính trị lần này cũng khẳng định: "Chúng ta không theo con đường sai lầm mà thay đổi ngọn cờ”.
“Phân cấp quyền lực trong Đảng”:
Cụm từ này và “quyền hoạch định chính sách, quyền chấp hành và giám sát", nếu không xuất hiện trong báo cáo chính trị lần này thì sẽ là chỉ dấu tiêu cực về quá trình dân chủ trong Đảng.
Báo cáo chính trị Đại hội 18 có câu: "Đảng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống quyền lực để cân bằng các quyền quyết sách, chấp hành và giám sát, cải thiện cơ chế chung". Câu này đã có từ báo cáo chính trị 2007, lần này được giữ y nguyên, có nghĩa không có gì cởi mở hơn trước.
Cụm từ “Quyền lực của nhân dân”:
Một điểm gây thất vọng nữa là cụm từ này đã không xuất hiện trong báo cáo chính trị 18.
Cụm từ nói trên do ông Tập Cận Bình đưa ra sau Đại hội 17. Sự có mặt của nó trong các văn bản chính thức chắc chắn là chỉ dấu tốt, nhưng nó vắng bóng trong diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào.
“Xây dựng xã hội”:
Văn kiện Đại hội 17 có câu “tăng quyền tự quyết ở cơ sở", và nếu nó biến mất khỏi báo cáo chính trị năm nay thì đây sẽ là chỉ dấu tiêu cực.
Cụm từ này đã không còn trong văn kiện Đại hội 18, và được thay thế bằng "tự quản lý theo luật pháp".
Câu đầy đủ thực ra là: ". . . hoàn thiện cơ chế chính sách và công tác an ninh quốc gia, giữ cảnh giác cao trước các hoạt động ly khai, xâm nhập và lật đổ của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh quốc gia".
Đây là dấu hiệu cho thấy sẽ có một sự quản lý xã hội chặt chẽ theo quan điểm cứng rắn.
“Dân chủ trong Đảng”:
Cụm từ này xuất hiện năm lần liền trong báo cáo chính trị Đại hội 17, tức là khá thường xuyên.
Nếu như nó tiếp tục được nhắc tới trong báo cáo chính trị lần này cùng các biện pháp cụ thể hơn, như "đề cử và bầu cử trực tiếp" hay "giới hạn nhiệm kỳ"... thì đây sẽ là chỉ dấu chiều hướng tốt.
Trong báo cáo chính trị lần này, "dân chủ trong Đảng" xuất hiện ít hơn và cũng không có đề cập gì tới đề cử hay bầu cử trực tiếp và các biện pháp khác.
Vậy đây là bước thụt lùi.
"Tư duy khoa học về phát triển":
Đây là cụm từ ưa thích của ông Hồ Cẩm Đào, xuất hiện 21 lần trong báo cáo chính trị năm 2007.
Nếu như lần này nó còn được nhắc tới nhiều lần hơn, thì là chỉ dấu rằng ông Hồ Cẩm Đào muốn tiếp tục tầm ảnh hưởng của mình sau Đại hội 18.
Cũng cần xem xét liệu có thay đổi gì trong khái niệm tư duy khoa học của ông Hồ Cẩm Đào, thí dụ nhấn mạnh quyền tự quyết của người dân hay quyền chính trị và dân sự gì hay không.
Trong báo cáo chính trị năm nay, "Tư duy khoa học" xuất hiện khá nhiều lần và cùng với "Học thuyết Đặng Tiểu Bình" và "thuyết Ba Đại diện" nó đã trở thành một trong các tư tưởng chính yếu của Đảng.
Báo cáo chính trị Đại hội 18 không hề có cụm từ "quyền dân sự".
“Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”:
5 năm trước, cụm từ này xuất hiện 51 lần trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng.
Đây là một trong các ngọn cờ của ba thế hệ lãnh đạo Trung Quốc: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào và việc báo cáo chính trị năm nay dẫn giải như thế nào về khái niệm này là điều quan trọng.
Năm nay, khái niệm CNXH mang màu sắc Trung Quốc bao gồm Bốn nguyên tắc cơ bản, nghĩa là có chiều hướng quay lại tôn chỉ cứng rắn và bảo thủ hơn.
Dựa trên tất cả các yếu tố nói trên, có thể tạm kết luận rằng lực lượng bảo thủ trong Đảng còn rất mạnh.
Theo những gì được trình bày trong báo cáo chính trị Đại hội 18, không có mấy hy vọng rằng quá trình cải cách chính trị sẽ có tiến bộ gì đáng kể trong những năm tới.
Ông Tiền Cương là Giám đốc dự án Báo chí Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Báo chí, Đại học Hong Kong. Ông từng làm việc cho báo Quân Giải phóng những năm 1970 và viết một số sách về chính trị Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment