Wednesday, 28 November 2012

Tại sao cần phải có tiền để làm một nghiên cứu thống kê chu đáo?



Câu trích dẫn dưới đây là một phát biểu hết sức nhảm nhí:
Việc làm của em sinh viên này cũng là một cách trả lời cho những ai chỉ nói mà không dám làm, cho những ai đòi phải có tiền mới làm nghiên cứu có giá trị.
Tôi không có hân hạnh đọc bài nghiên cứu của em sinh viên này nên tạm tin lời người viết rằng nghiên cứu của em thật sự có giá trị (và chỉ tốn có hai triệu đồng thôi). Tôi chỉ thắc mắc về việc chuyện đòi phải có tiền mới làm nghiên cứu có giá trị bị đem ra dè bỉu. Và vì không dám lạm bàn sang các lĩnh vực xa lạ, tôi sẽ chỉ nói chuyện thống kê mà thôi:
Mọi công đoạn thống kê, từ khâu chuẩn bị đề cương đến khi thực hiện, xử lý kết quả đều có cái giá phải trả, tính ra giờ công hay thành tiền công đều được. Thì giờ và tiền công cho điều tra viên làm việc với mẫu vài chục cá thể phải ít hơn chi phí cho mẫu với quy mô một trăm, một nghìn, một vạn. Không có tiền để đi điều tra ở nơi xa thì đành phải làm việc ngay tại nơi mình có khả năng hay được phép lui tới. Không có tiền thì đành phải tự thiết kể và thực hiện lấy phiếu điều tra, nếu không kiếm ra chuyên viên giúp mình miễn phí, rồi vác cái phiếu đầy sai sót ấy đi... điều tra. Không đủ thì giờ để dụ dỗ người ta trả lời cho mình thì đi kiếm người quen hay tự điền lấy phiếu. Không có tiền để mời chuyên viên kiểm soát chất lượng thống kê thì mời bậy một anh cổ văn Việt Nam vào hội đồng cũng xong.
Chính vì những lẽ nêu trên mà muốn làm thống kê đàng hoàng phải có nhiều tiền hoặc rất nhiều tiền. Có tiền là tự nhiên mọi sự lựa chọn được rộng mở. Người đã từng làm thống kê, kể cả thống kê loãng xương, không thể không biết những chuyện bếp núc này. Vấn đề là ai trả tiền. Không có chuyện không trả.
Trả nhiều nhưng hoang phí chưa chắc sẽ thu được kết quả tốt đẹp. Điều này dễ hiểu, nhưng không thể dựa vào đó để kết luận rằng không cần nhiều tiền vẫn có thể làm nghiên cứu đàng hoàng, chu đáo. Đó là vì vật chất không tự sinh ra, không tự mất đi, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nhà Nước không bỏ tiền ra thì người làm nghiên cứu phải kiếm nhà tài trợ. Bỏ tiền túi ra là tự tài trợ. Không tự tài trợ được thì nhờ cha mẹ ra ơn hay mời vợ đứng ra làm bà Tú Xương. Bạn bè có thể giúp đỡ chút đỉnh. Tìm loanh quanh đâu đó cũng có thể gặp một công ty mạnh thường quân. Sang hơn nữa thì kiếm học bổng sang Tây ngồi yên một thời gian để đọc, tính và viết; khi đó mọi chuyện tiền nong đã có người khác lo cho rồi.
Người làm khoa học lấy nghiên cứu khoa học là nghề nghiệp chứ không phải một thú vui tao nhã đương nhiên có quyền đòi hỏi nghề nghiệp của mình được nhìn nhận là hữu ích, chí ít phải ngang bằng với nhiều nghề lao động trí óc khác trong xã hội. Nhà Nước có quyền từ chối tài trợ những đề tài nghiên cứu vô  bổ không? Có. Vậy tại sao nhà khoa học không có quyền đòi nhiều tiền cho một dự án có giá trị?
Tôi thật sự nghi ngờ tính xác thực của con số hai triệu đồng mà nhà báo Tuổi Trẻ nêu ra khi đưa tin về sinh viên Trần Thị Mai (http://tuoitre.vn/Giao-duc/522105/Nghien-cuu-nan-dua-phong-bi%C2%A0tai-benh-vien.html). Con số đó hoặc là đã ẩn giấu tất cả các chi phí khác, hoặc là hoàn toàn bịa đặt. Tôi vẫn muốn tin rằng sinh viên Trần Thị Mai đã thực hiện thành công một đề tài nghiên cứu rất có giá trị. Nhưng tôi không ủng hộ việc một nhà nghiên cứu Việt Kiều chuyên tự hào về những đề tài được tài trợ hàng triệu đô la Úc lại đi hò hét rằng ít tiền vẫn làm được nghiên cứu tốt. Cái trò đó Tây gọi là deux poids, deux mesures, diễn nôm là chỉ có khoa học của mình mới đáng đồng tiền bát gạo còn khoa học chúng nó thì... hai triệu VND  thôi.

No comments:

Post a Comment