Monday, 3 December 2012

Một đề tài nghiên cứu khoa học ở Đại Học Thái Nguyên: Đặc điểm của tư duy ngôn ngữ ở người Việt dưới tác động của nhân tố giới tính (so sánh với nhân tố tuổi tác và vùng miền)

Tên đề tài (*)Đặc điểm của tư duy ngôn ngữ ở người Việt dưới tác động của nhân tố giới tính (so sánh với nhân tố tuổi tác và vùng miền)
Cơ quan chủ trìĐại học Khoa học
Cơ quan thực hiệnĐại học Khoa học
Loại đề tàiĐề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứuVăn học
Chủ nhiệm(*)Nguyễn Thị Trà My
Ngày bắt đầu01/2013
Ngày kết thúc12/2014

Tổng quan
Tính cấp thiết
2. Tính cấp thiết:
2.1. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người (V.I. Lênin). Trong quá trình giao tiếp, việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ bị chi phối bởi các nhân tố sau đây: người phát, người nhận, mã giao tiếp, chủ đề giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp... Trong đó,  nhân tố nhân vật giao tiếp trong việc sử dụng ngôn ngữ lại bị chi phối bởi nhiều thông số khác nhau như: tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa phương sinh sống…đặc biệt là vai trò của nhân tố giới tính. Tất cả các thông số này tạo nên vai giao tiếp và được nghiên cứu trong chuyên ngành Ngôn ngữ học xã hội.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, chuyên ngành Ngôn ngữ học xã hội ra đời. Theo đó, quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính đã trở thành một nội dung lớn của chuyên ngành này. Cùng với hàng loạt các nhân tố như: nghề nghiệp, địa vị xã hội, tuổi tác, vùng miền… giới tính cũng được coi là một nhân tố để hình thành cách sử dụng ngôn ngữ, do vậy sự sử dụng ngôn ngữ mang phong cách giới tính hay nói cách khác, việc sử dụng ngôn ngữ của mỗi giới cũng có những khác biệt và tạo ra những hiệu quả không giống nhau. Theo quan điểm của GS. Nguyễn Văn Khang, dường như, thiên chức, thân phận và tính cách của mỗi giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên phong cách ngôn ngữ của mỗi giới. Ngôn ngữ tuy là của chung nhưng mỗi giới sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình để hình thành khái niệm "phương ngữ giới tính". Nội dung này thuộc phạm vi "phuơng ngữ xã hội" của ngôn ngữ học xã hội - một sự mở rộng của khái niệm phương ngữ (dialect) mà ngôn ngữ học cấu trúc khi nói tới phương ngữ thường chỉ có thể hiểu đó là phương ngữ địa lí.
2.2. Cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vấn đề ngôn ngữ và giới tuy đã trở thành một nội dung quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội nhưng cho đến nay một số vần đề  thú vị như biểu hiện ngôn ngữ, tư duy ngôn ngữ ở mỗi giới trong sự tương quan với các nhân tố khác (tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội, vùng miền…) hay “vấn đề sự phân hoá của ngôn ngữ theo phương diện giới tính còn rất ít được nghiên cứu”  (Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá –dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB KHXH, H.,2008, tr.507) hoặc nghiên cứu chưa hệ thống và đồng bộ.
2.3. Ở Việt Nam, nghiên cứu liên ngành đang được các nhà ngôn ngữ học rất quan tâm. Bên cạnh xu hướng nghiên cứu xuyên văn hoá (cross-cultural), liên văn hoá (inter-cultural), xu hướng nghiên cứu về bản chất xã hội của ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ giới nói riêng cũng đã và đang được chú ý trong những năm vừa qua. Đây chính là hướng nghiên cứu đa ngành và liên ngành (ngôn ngữ học - xã hội học - dân tộc học - văn hoá học – văn học…) nhằm giải quyết các vấn đề vốn rất hấp dẫn và phong phú nhưng không hề dễ dàng về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội, đặc biệt là quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính. Nhìn từ thực tế, GS. Nguyễn Văn Khang đã chỉ ra rằng: Trong nhiều nội dung có liên quan đến ngôn ngữ và giới thì cho đến nay, mới chỉ có hai nội dung được đặc biệt quan tâm đó là: (1) Sự thiên kiến về giới được thể hiện trong ngôn ngữ và (2) Kế hoạch hoá ngôn ngữ về giới để góp phần tạo sự bình đẳng về giới. Các vấn đề như: tác động của nhân tố giới tính đến việc sử dụng ngôn ngữ và tư duy của người Việt nói chung, của từng tầng lớp, theo từng độ tuổi nói riêng, hay vấn đề sử dụng ngôn ngữ của mỗi giới trong sự tương quan với các nhân tố khác…vẫn còn là mảnh đất mới mẻ, hứa hẹn nhiều điều thú vị. Những khía cạnh này rất cần được nghiên cứu một cách hệ thống, kỹ càng để chúng ta có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính cũng như giữa ngôn ngữ với tư duy và rộng hơn là ngôn ngữ và đời sống xã hội.
2.4. Qua khảo sát, chúng tôi thấy chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ về vấn đề tư duy ngôn ngữ của người Việt xét theo giới tính và các nhân tố khác. Từ những lý do trên, việc tìm hiểu vấn đề tư duy ngôn ngữ của người Việt xét theo giới tính (trong sự so sánh với nhân tố tuổi tác, vùng miền) sẽ có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Với công trình này, chúng tôi mong muốn làm sáng tỏ thêm về sự tác động của một số nhân tố (đặc biệt là nhân tố giới tính) đến tư duy ngôn ngữ của người Việt trên các phương diện ngôn ngữ tiêu biểu. Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đưa ra những nhận xét, kiến giải về các đặc điểm, năng lực tư duy ngôn ngữ của mỗi giới ở người Việt dưới góc độ ngôn ngữ, tâm lý và văn hóa. Từ đó chúng ta sẽ có cơ sở để định hướng việc sử dụng ngôn ngữ một cách tích cực, góp phần vào việc quy hoạch và hoạch định chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam.
Mục tiêu
3. Mục tiêu:
Đề tài được triển khai với những mục tiêu khoa học như sau:
1/ Tìm hiểu hệ thống cơ sở lý luận về vấn đề mối quan hệ giữa giới tính và ngôn ngữ, tư duy ngôn ngữ cũng như sự tác động của một số nhân tố như giới tính, vùng miền, tuổi tác đến tư duy ngôn ngữ của người Việt.
2/Tiến hành khảo sát, phân tích một cách cụ thể, hệ thống về đặc điểm tư duy ngôn ngữ  của người Việt xét theo giới tính trong quan hệ với nhân tố vùng miền, tuổi tác thông qua các thực nghiệm chuyên biệt và các phương pháp nghiên cứu đặc thù (phương pháp thực nghiệm liên tưởng, phương pháp phân tích thành tố nghĩa, các phương pháp ngôn ngữ học thống kê để  tính toán độ phong phú, độ tập trung, độ phân tán từ vựng liên tưởng, hệ số tương quan tư duy của nam giới và nữ giới…)
3/ Rút ra những nhận xét, kiến giải về các đặc điểm, năng lực tư duy ngôn ngữ của mỗi giới ở người Việt dưới góc độ ngôn ngữ, tâm lý và văn hóa.  Đề xuất một số giải pháp trong sử dụng và quy hoạch ngôn ngữ.
4/ Góp thêm những cứ liệu quan trọng trong việc tìm hiểu, làm rõ đặc điểm của tư duy ngôn ngữ (chiến lược liên tưởng tự do, tư duy liên tưởng có định hướng) theo giới tính trong tương quan với nhân tố  tuổi tác, vùng miền.
Nội dung
4. Nội dung chính:         
        Nội dung của đề tài tập trung trong ba chương sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận chung
Chương 2: Tư duy ngôn ngữ theo giới tính trong tương quan với nhân tố tuổi tác
Chương 3: Tư duy ngôn ngữ theo giới tính trong tương quan với nhân tố vùng miền

PP nghiên cứu
- Phương pháp điều tra bằng anket, phỏng vấn: Chúng tôi tiến hành điều tra bằng các bảng hỏi (anket) đối với đối tượng người Việt theo giới tính ở các độ tuổi, nghề nghiệp, vùng miền khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành ghi âm, phỏng vấn sâu để hiểu rõ thái độ và thói quen trong sử dụng ngôn ngữ của các đối tượng này.
- Phương pháp thực nghiệm liên tưởng: Cơ sở của phương pháp này là: một từ nào đó đóng vai trò là cái kích thích gây ra sự xuất hiện trong óc một từ khác với tư cách là  phản ứng. Phương pháp thực nghiệm liên tưởng có hai dạng: tự do và có định hướng. Chúng khác nhau ở chỗ trong khi thực nghiệm có nêu điều kiện liên tưởng theo hướng nào hay không.
- Thủ pháp phân tích thành tố nghĩa:  Đây là thủ pháp được sử dụng có hiệu quả nhất trong việc xây dựng cơ sở mới cho sự phân tích từ vựng – ngữ nghĩa ở diện tương phản. Thủ pháp này nghiên cứu mặt nội dung các đơn vị có ý nghĩa được khởi thảo ra trong phạm vi ngữ nghĩa học cấu trúc và có mục đích là phân giải ý nghĩa ra thành các thành phần ngữ nghĩa tối thiểu (hay còn gọi là các nghĩa vị, các ý sơ đẳng, các nhân tử ngữ nghĩa, các đặc trưng ngữ nghĩa, các thành tố). Đối tượng phân tích bằng thủ pháp này là một tổng thể các từ liên quan với nhau về ngữ nghĩa.
- Các phương pháp ngôn ngữ học thống kê để  tính toán độ phong phú, độ tập trung, độ phân tán từ vựng liên tưởng, hệ số tương quan tư duy của nam giới và nữ giới: Trước đây trong luận án của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, các công thức dưới đây lần đầu tiên đã  được mở rộng phạm vi áp dụng để tính toán, chỉ ra một cách cụ thể mức độ gần gũi và khác biệt cũng như hệ số tương quan về tư duy ngôn ngữ giữa người Việt và người Nga cùng một số dân tộc khác trong các phạm vi định danh, chuyển nghĩa liên tưởng. Trong lĩnh vực nghiên cứu thống kê từ vựng, một số công thức tính toán này cũng đã được áp dụng:
a) Độ phong phú từ vựng
Công thức tính:  
R: Độ phong phú từ vựng
V: Số từ khác nhau trong văn bản
N: Tổng số lần xuất hiện các từ (hay độ dài của văn bản)
b) Độ tập trung từ vựng được tính theo công thức
              
N: Tổng số lần xuất hiện các từ (hay độ dài của văn bản)
r: Hạng của một từ nào đó
f r: Tần số của từ có hạng “r”
c) Độ phân tán từ vựng
             
Vi: Số lượng từ khác nhau có tần số “i”
V: Số lượng từ khác nhau
d) Hệ số tương quan hai danh sách từ vựng
   
α:  Hệ số trùng nhau của hai danh sách thứ hạng
n: hạng thứ “n”
i – hạng của từ nào đó trong danh sách thứ nhất
Ji: hạng cũng của chính từ ấy trong dánh sách thứ hai
Trong công thức trên nếu:
- α = 1, thì hai danh sách trùng nhau hoàn toàn
- α = 0, hai danh sách không có gì tương ứng, hoặc tương quan với nhau
- α càng tiến gần tới 0 , hai danh sách càng không tương quan với nhau
- α càng tiến tới 1, hai danh sách càng tương quan với nhau nhiều hơn
Chúng tôi cũng sử dụng các công thức trên để tính toán, chỉ ra đặc trưng giới tính và mức độ ảnh hưởng đến tư duy liên tưởng của người Việt (đối tượng sinh viên), từ đó chỉ ra đặc điểm tổ chức của vốn từ vựng tiềm tàng ở nam và nữ.
- Một số phương pháp, thủ pháp khác
Hiệu quả KTXH
5. Thời gian nghiên cứu dự kiến: Từ 01/01/2013 đến 01/12/2014
6. Nhu cầu kinh phí dự kiến:          70.000.000 (Bảy mươi triệu đồng)
7. Kết quả, hiệu quả dự kiến:
1/ Sản phẩm khoa học:
- Số bài báo khoa học cấp quốc gia: 02
- Số bài báo khoa học cấp đại học: 01
2/ Sản phẩm đào tạo
- Số lượng đề tài SV NCKH: 02
- Số lượng khóa luận TN đại học: 02
3/ Sản phẩm ứng dụng:
* Sản phẩm dự kiến:
- Bản báo cáo toàn văn của đề tài
- Các bài báo cấp quốc gia, cấp đại học
- 01 chuyên đề giảng dạy cho SV
- Hoàn thiện một phần trong luận án tiến sĩ
* Phạm vi, khả năng ứng dụng và địa chỉ ứng dụng
- Sử dụng làm tài liệu xây dựng giáo án giảng dạy học phần/chuyên đề Ngôn ngữ học xã hội tại khoa Văn – Xã hội Trường Đại học Khoa học, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên; chuyên đề Đặc trưng văn hoá –dân tộc của ngôn ngữ và tư duyở bậc sau đại học ngành Ngôn ngữ  học ở một số trường đại học và cao đẳng khác trong cả nước (Trường ĐH Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, Trường ĐH KHXH – NV, ĐHQG Hà Nội…)
          - Sử dụng làm tài liệu học tập và tham khảo học phần Ngôn ngữ học xã hội và chuyên đề  Đặc trưng văn hoá –dân tộc của ngôn ngữ và tư duy cho sinh viên, học viên các trường đại học và cao đẳng.
          - Sử dụng làm tài liệu tham khảo và giảng dạy cho giáo viên, sinh viên  ngành ngữ văn, ngành ngôn ngữ học, ngành xã hội học…
ĐV sử dụng
Trường Đại học Khoa học
Đại học Thái Nguyên

No comments:

Post a Comment