Giáo sư NVT đã thực hiện nhiều thống kê cho thấy giáo
dục đại học Việt Nam đã tụt hậu nghiêm trọng. Phương pháp thu thập số liệu và
cách diễn giải số liệu đều có vấn đề gây tranh cãi nhưng kết luận của ông vẫn giành được
sự đồng tình, đồng thuận, nhất trí cao. Người đọc có thể chê ông NVT tính sai số
bài báo, số tiến sĩ, số giáo sư ở ngành này, ngành nọ, nhưng chung cục vẫn phải
đồng ý với ông rằng ở Việt Nam có tiến sĩ không ra tiến sĩ, giáo sư không đáng
giáo sư và công trình xào nấu nhiều vô thiên lủng.
Báo chí trong nước và hải ngoại nhiều lần lôi hết giáo
sư này, tiến sĩ nọ ra đập vì tội đạo văn, luộc sách. Đó chỉ là bề nổi. Có những
vụ gian lận khoa học trong bóng đêm, không ai biết, không ai hay, đập cách nào?
Gần đây tôi lượm được một công trình cấp trọng điểm trong ngành của mình và đã có
dịp kinh ngạc sững sờ vì trình độ xào nấu lên đến đỉnh cao của tập thể tác giả
(chủ biên là một phó giáo sư tiến sĩ, các tác giả khác có trình độ từ tiến sĩ
trở lên đến giáo sư): tôi không tìm thấy một chữ, một ý nào mới mẻ trong mấy
trăm trang cắt dán lam nham lở nhở đó. Tiền công cắt dán lên đến mấy trăm triệu
đồng, không kể chi phí cho các vị trong hội đồng nghiệm thu. Đó là cùng nhau cắn
xé ngân sách quốc gia dành cho khoa học.
Một chuyện nham nhở khác là vị chủ biên công trình cắt
dán tác phẩm của một đồng nghiệp cùng trường và “quên” trả tiền cho đồng nghiệp.
Anh đồng nghiệp bỗng dưng bị trừ thuế thu nhập mạnh quá, lên phòng tài vụ tìm
hiểu mới phát hiện ra mình có ký tên lĩnh tiền và do đó phải đóng thuế thu nhập
đích đáng. Anh không còn cách nào khác là đi tìm chủ biên đòi lấy khoản tiền lẽ
ra phải ở trong túi mình. Ở nước khác đây là chuyện có thể dẫn đến tù tội,
nhưng khi tham nhũng hai trăm triệu không phải là tội thì ăn cắp, ăn chặn năm,
mười triệu cũng không phải là tội. Công trình trọng điểm này chắc sẽ mãi mãi nằm
trong ngăn tủ hoặc ra hàng giấy vụn (chẳng lẽ lại đem in cái đã in từ đời thuở
nào), ai có thể biết để xử lý? Ký khống, ký giùm là chuyện bình thường ở… trường
đại học, không ai phạt ai được. Suy giảm trí nhớ là vấn đề sức khỏe cá nhân,
pháp luật không can thiệp.
Công trình trọng điểm dù vô giá trị vẫn được tính là
thành tích cao, có thể khoe trong lý lịch khoa học. Do giá trị quy ra VND rất lớn,
không phải ai cũng đủ tư cách đứng tên đề tài trọng điểm. Có những nhà khoa bảng
hàng đầu không ghi nổi một dòng thành tích cho ra hồn trong lĩnh vực của mình:
Một anh bị ép làm đầu ngành tiếng Ý ở một trường đại
học tầm cỡ quốc gia nhưng không biết một chữ đui của ngôn ngữ này. Chuyện thật,
không đùa. Trong lý lịch khoa học của anh đăng trên trang mạng của trường, chỉ
có một dòng hữu quan là có tham gia xây dựng
chương trình đào tạo ngành ngữ văn Ý. Anh vốn là người đam mê tiếng Xtiêng
và đã bảo vệ một luận án ngữ âm học một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số nam Tây
Nguyên. Sau khi có học vị, anh bị bổ nhiệm làm trưởng hết phòng nọ sang ban kia
và còn phải kiêm nhiệm trưởng một bộ môn mà sinh viên năm 1 chắc chắn giỏi hơn
anh. Tại sao nhà ngữ âm học tài năng này bị dồn đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu như
vậy? Tại sao anh không thể tiếp tục thực hiện ước mơ thời trai trẻ, phải ngồi
vào một cái ghế vốn không dành cho anh? Phải chăng tiếng Xtiêng không cần đến
anh nữa? Hay là anh không cần nó nữa?
Khi
một nồi canh toàn sâu, múc đâu cũng ra sâu thì khỏi cần dùng đến thống kê vẫn
biết là canh không ăn được. Có người sẽ cho rằng những hiện tượng vừa kể trên chỉ
có tính đơn lẻ, cục bộ, bảo rằng múc đâu cũng ra sâu e là có phần phóng đại.
Nhưng ngay cả khi đó chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, cục bộ thì chỉ riêng sự xuất
hiện một hai hiện tượng như vậy cũng đủ nghiêm trọng để ta phải thắc mắc xem
dòi bọ từ đâu chui ra. Nồi canh dù chỉ có một con sâu cũng không ai muốn ăn. Về
phương diện này, một nồi canh toàn sâu không khác gì một con sâu làm rầu nồi
canh. Không cần đếm cũng biết.
Minh ơi, sao vị TS ngữ âm học kia lại khổ thế? Và có phải vị ấy là người bạn của cả Minh lẫn mình không? (Thực ra không cần hỏi, nhưng mình vẫn muốn hỏi lại chỉ vì không muốn tin rằng ngôi trường mình đã chán ghét mà bỏ nó đi lại thực sự tệ đến như thế!)
ReplyDeleteChị ơi, có một ngôi trường tên là NoName
ReplyDelete