Friday 28 December 2012

CÁC LỚP TỪ VỰNG GIÀU SẮC THÁI TU TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ (Nguyễn Thị Mẫn Vy)

Nguồn: Đại Học Đà Nẵng.

Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm

2012
1
CÁC LỚP TỪ VỰNG GIÀU SẮC THÁI TU TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN

NGỌC TƯ
CLASSES OF RHETORICAL NUANCED VOCABULARY IN NGUYEN NGOC

TU'S SHORT STORIES
SVTH: Nguyễn Thị Mẫn Vy
Lớp 09CVH2, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng
GVHD: TS GVC Bùi Trọng Ngoãn
Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Tập truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư vừa ra đời đã gây được tiếng vang

lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới cầm bút. Đi sâu nghiên cứu trên phương

diện ngôn ngữ, công trình đã khảo sát, thống kê, phân loại một cách có hệ thống các lớp từ

vựng giàu sắc thái tu từ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Từ láy mang ý nghĩa quan trọng

cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Từ hội thoại tô đậm phong cách Nam Bộ của Nguyễn

Ngọc Tư. Lớp từ về nghề nuôi vịt chạy đồng và ca cải lương giúp tái hiện chân xác bức tranh

hiện thực cuộc sống trong tác phẩm. Đặc biệt, từ vay mượn của tiếng Khme là một phát hiện

lớn trong công trình. Lớp từ này tạo ra phong thái riêng và bảo tồn văn hoá vùng miền cho tác

phẩm.
Từ khoá: Ngôn ngữ; từ vựng; sắc thái tu từ; từ láy; từ hội thoại; từ nghề nghiệp; từ vay

mượn; phong cách
ABSTRACT Story collection “Endless Fields” written by Nguyen Ngoc Tu had resonated

greatly since it was born, attracted special attentions from the readers and the writters. Going

into research on the language, the project had surveyed, statistics , classified systematicaly the

classes of the wealthy stylistic vocabularys in the short stories of Nguyen Ngoc Tu.

Vietnamese alliteration brings important means about both content and art. Conversational

words set off the southerly style of Nguyen Ngoc Tu. The classes of word about raising

ducks fields and singing reform help apear again exactly the realistic pictures about the life in

the stories. Especially, the borrowing words from the Khme language are the great discovery

in the project. These make the private style and preserve the regional culture of the stories.

Key words: Languages, vocabulary, rhetorical nuance, Vietnamese alliteration, conversational

word, specialized word, borrowing word, style
1. Đặt vấn đề
Trong khi nền văn học trẻ bắt đầu làm người ta bội thực vì những vấn đề nóng bỏng mang

tính thời đại với một lối viết quẫy đạp, bức phá thì tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” ra đời

gây ấn tượng mạnh trong sự thanh mát, nhẹ nhàng. Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện như một vệt

sao lạ. Văn của chị dịu dàng, giản dị, từ ngữ mủ mỉ, hồn hậu, đọc lên nghe âm vang đậm chất

thơ như ngàn cánh bèo nổi nênh trên những dòng sông hai mùa nước nổi. Trở thành một hiện

tượng văn học, tác phẩm của chị đã thu hút sự quan tâm của nhiều
Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm

2012
2
người. Nếu truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là một miền đất mới để ngòi bút nghiên cứu văn

học cày xới thì vấn đề về ngôn ngữ là một mảnh đất tươi tốt còn quá hoang vu và bí ẩn. Đặc

biệt, các lớp từ vựng giàu sắc thái tu từ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là một vấn đề

chưa ai chạm tới. Có chăng là những phê bình, đánh giá chung chung về ngôn ngữ của chị.

Qua quá trình nghiên cứu về lịch sử vấn đề, có thể kết luận rằng, các tác giả chỉ tập trung vào

hai mảng chính là bức tranh hiện thực đời sống và phương ngữ Nam Bộ trong tác phẩm. Xuất

phát từ tất cả những lí do trên, chúng tôi chọn thực hiện đề tài “Các lớp từ vựng giàu sắc thái

tu từ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư” với nhiều đam mê và hi vọng lớn. Đề tài này rẽ

hướng hoàn toàn so với những công trình nghiên cứu tập trung đi sâu về mặt nội dung, hứa

hẹn sẽ mang lại nhiều khám phá mới mẻ và độc đáo.
2. Giải quyết vấn đề
Tuỳ thuộc vào mục đích và nội dung, trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi kết hợp giữa

phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ với phương pháp nghiên cứu văn học.
Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại: giúp khảo sát, thống kê từ vựng trong tập truyện

“Cánh đồng bất tận” rồi phân loại thành các lớp từ theo từng phương thức cụ thể. Phương

pháp cải biến: giúp đưa ra các giả định về cách dùng từ, đặt câu trong một ngữ cảnh cụ thể

để đi đến nhận xét về hiệu lực biểu đạt của chúng. Phương pháp phân tích, chứng minh: giúp

tìm ra ý nghĩa và làm rõ giá trị của các lớp từ vựng giàu sắc thái tu từ. Phương pháp tổng hợp,

khái quát: giúp đưa ra cái nhìn toàn cảnh, bao quát về các lớp từ vựng giàu sắc thái tu từ

trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và giá trị nổi bật của chúng. Phương pháp tiếp cận hệ

thống và so sánh, đối chiếu: giúp thực hiện công việc nghiên cứu một cách khoa học, chính

xác với một chỉnh thể hệ thống rõ ràng; giúp nhận ra những nét nổi bật trong phong cách

truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư khi đem sáng tác của chị so sánh với tác phẩm của những nhà

văn trẻ cùng thời. Phương pháp lịch sử: trong số những lớp từ vựng nổi bật của Nguyễn Ngọc

Tư có một bộ phận từ vay mượn của tiếng Khme. Do đó, phương pháp này giúp chúng tôi

khảo sát một cách cụ thể, khoa học và có cái nhìn đúng đắn về chúng.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các lớp từ vựng giàu sắc thái tu từ trong những sáng tác

truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Phạm vi nghiên cứu của đề tài được giới hạn trong tập

truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” (2011, NXB Trẻ) của chị. Phương tiện hỗ trợ cho quá trình

nghiên cứu của chúng tôi là “Từ điển tiếng Việt” (2002, NXB Đà Nẵng) do Hoàng Phê chủ

biên, “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” (2007, NXB Từ Điển Bách Khoa) của Huỳnh Công Tín và

các phần mềm Office 2010, Excel 2010...
Để hoàn thành tốt đề tài, chúng tôi đã thực hiện những nội dung nghiên cứu sau: Khảo sát hệ

thống từ vựng trong tập truyện “Cánh đồng bất tận” để lọc ra các lớp từ vựng giàu sắc thái tu

từ. Lập bảng thống kê, phân loại cụ thể các lớp từ vựng đó. Biểu đồ hoá và khái quát các số

liệu thu được thành bảng thống kê rút gọn với đơn vị là %. Qua đó đưa ra nhận xét, đánh giá

về số lượng, mật độ, tỉ lệ của các lớp từ vựng. Phân tích, bình luận, chứng minh những giá trị

nổi bật của các lớp từ vựng giàu sắc thái tu từ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm

2012
3
3. Kết quả nghiên cứu và bình luận
3.1. Từ láy
3.1.1. Thống kê và phân loại từ láy
Qua nghiên cứu, khảo sát, thống kê, chúng tôi đã thu được nhiều con số rất đáng kinh ngạc.

Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng từ láy tổng cộng 1634 lần. Chúng tôi sử dụng đơn vị lần thay

cho từ bởi vì, trong tác phẩm của chị, có những từ được sử dụng lặp lại nhiều lần. Đó là một

con số cực kì ấn tượng cho vỏn vẹn 211 trang giấy (không kể các trang mục lục và lời đề từ

trước mỗi câu chuyện trong tập “Cánh đồng bất tận”). Các số liệu thống kê được chúng tôi

khái quát như sau:
+ Từ láy tượng hình được sử dụng 332 lần, chiếm 20,3 %. Bao gồm: TL mô tả dáng vẻ con

người (228 lần, chiếm 68,7%); TL mô tả dáng vẻ con vật (11 lần, chiếm 3,3%); TL mô tả

dáng vẻ sự vật (93 lần, chiếm 28%).
+ Từ láy tượng thanh được sử dụng 157 lần, chiếm 9,6 %. Bao gồm: TL mô phỏng âm thanh

của con người (99 lần, chiếm 63%), TL mô phỏng âm thanh của con vật (16 lần, chiếm

10,2%), TL mô phỏng âm của sự vật (42 lần, chiếm 26,8%).
+ Từ láy sắc thái hoá về nghĩa được sử dụng 1145 lần, chiếm 70,1 %. Bao gồm: TL khái

quát về đặc điểm, tính chất của đối tượng (920 lần, chiếm 80,4%), TL chỉ mức độ thấp của

một trạng thái, đặc điểm (85 lần, chiếm 7,4%), TL chỉ mức độ cao của một trạng thái, đặc

điểm (140 lần, chiếm 12,2%).
Bình quân, mỗi trang truyện, Nguyễn Ngọc Tư sử dụng từ láy đến 8 lần. Tuy nhiên, cá biệt,

có những trang, từ láy được sử dụng nhiều đến mức đậm đặc. Tiêu biểu là trang 216 thuộc

truyện “Cánh đồng bất tận” xuất hiện 21 từ láy, chiếm vị trí cao nhất trong số 211 trang văn.

Trong tập truyện, rất hiếm có những trang không xuất hiện từ láy. Cụ thể, 3 trang không xuất

hiện từ láy là trang số 16, 77, 79.
3.1.2. Ý nghĩa của lớp từ láy trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Về mặt nội dung, từ láy mang sức gợi cao giúp nhà văn chuyển tải được nhiều hình ảnh, tính

chất, âm thanh một cách hiệu quả, sống động và độc đáo. Từ láy là một nhân tố giữ vai trò

hết sức quan trọng khiến cho yếu tố sex trong tác phẩm được thể hiện đầy tính nghệ thuật,

trần trụi một cách kín đáo, khêu gợi một cách dịu dàng... Hệ thống từ láy đặc biệt phù hợp

với không gian nghệ thuật mênh mông, bát ngát trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Từ láy

đóng một vai trò hết sức quan trọng để mang lại những dòng văn giàu sức gợi, sức cảm và in

đậm phong cách Nguyễn Ngọc Tư.
Về mặt nghệ thuật, từ láy giúp cho câu văn tăng thêm nhạc tính, đọc lên nghe mượt mà, uyển

chuyển như những bài ca. Sự góp mặt với mật độ cao của từ láy khiến văn Nguyễn Ngọc Tư

đặc biệt đậm đà chất thơ. Ngoài ra, từ láy còn góp phần thể hiện chất Nam Bộ quê quê, mủ

mỉ, hồn hậu trong giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư. Ta yêu văn của chị trước hết không phải

vì chất Nam Bộ in đậm trong ngôn ngữ, trong hình ảnh mà trước hết là ở giọng văn thuần chất

sông nước miệt vườn. Từ láy đặc biệt phù hợp với lối viết văn tập trung gợi nhiều hơn tả của

Nguyễn Ngọc Tư. Bản thân từ láy đã là một phép miêu
Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm

2012
4
tả ngầm định, giúp đối tượng hiện lên cụ thể hơn. Từ láy không theo một quy luật nào – ngôn

ngữ của sự sáng tạo, rất hợp với chân dung đất và người Nam Bộ vốn mênh mông, phóng

khoáng. Cái hay của từ láy trong truyện Nguyễn Ngọc Tư thể hiện rõ ở những từ không theo

quy luật, những từ rất mới của chị. Điều này góp phần đánh dấu một bước phát triển của tiếng

Việt.
3.2. Từ hội thoại
3.2.1. Thống kê, phân loại từ hội thoại trên phương diện từ loại
Qua quá trình thống kê, phân loại, chúng tôi thu được 1365 từ hội thoại giàu sắc thái tu từ.

Trên phương diện từ loại, chúng tôi chia từ hội thoại thành hai nhóm lớn là thực từ và hư từ.

Trong đó, thực từ bao gồm: danh từ, động từ, tính từ và đại từ. Hư từ bao gồm: phó từ, tình

thái từ và thán từ. Kết quả thống kê được chúng tôi khái quát thành như sau:
- Thực từ (1222 từ, chiếm 89,5%)
+ Danh từ (70 từ, chiếm 5,7%), bao gồm: tên kết hợp ngôi thứ (12 từ, chiếm 17,1%), tên

kết hợp với đại từ (32 từ, chiếm 45,7%), danh từ chỉ người (26 từ, chiếm 37,2%).
+ Động từ (696 từ, chiếm 57,0%)
+ Tính từ (257 từ, chiếm 21,0%), bao gồm: lớp từ chỉ tính cách (17 từ, chiếm 6,6%), lớp từ

chỉ mức độ (128 từ, chiếm 49,8%), lớp từ chỉ trạng thái (89 từ, chiếm 34,6%), lớp từ chỉ

hình thể (23 từ, chiếm 9,0%).
+ Đại từ (199 từ, chiếm 16,3%), bao gồm: đại từ ngôi thứ nhất (64 từ, chiếm 32,2%), đại từ

ngôi thứ hai (90 từ, chiếm 45,2%), đại từ ngôi thứ ba (45 từ, chiếm 22,6%).
- Hư từ (143 từ, chiếm 10,5%)
+ Phó từ (69 từ, chiếm 48,2%), bao gồm: phó từ phủ định, khẳng định (24 từ, chiếm

34,8%), phó từ tiếp tục (6 từ, chiếm 8,7%), phó từ mức độ (25 từ, chiếm 36,3%), phó từ

tình thái (9 từ, chiếm 13,0%), phó từ kết quả (5 từ, chiếm 7,2%).
+ Tình thái từ (57 từ, chiếm 39,9%), bao gồm: tình thái từ dùng để hỏi (29 từ, chiếm 50,9%),

tình thái từ dùng để cầu khiến (15 từ, chiếm 26,3%), tình thái từ dùng để cảm thán (13 từ,

chiếm 22,8%).
+ Thán từ (17 từ, chiếm 11,9%).
3.2.2. Ý nghĩa của lớp từ hội thoại trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Sự góp mặt của từ hội thoại giúp tô đậm màu sắc khẩu ngữ trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Hệ

thống từ hội thoại dồi dào, phong phú trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư góp phần tô đậm

bức tranh đất và người Nam Bộ. Từ hội thoại làm tăng tính cụ thể của những sự vật, hiện

tượng được nói đến. Hệ thống tính từ giúp cụ thể hoá các đặc điểm, tính chất. Hệ thống phó

từ phục vụ cho lối nói khoa trương, phóng đại đặc sắc của người Nam Bộ. Ngoài ra, đây là

một công cụ đắc lực để cá tính hoá nhân vật. Với từ hội thoại, Nguyễn Ngọc Tư đã để lại

dấu ấn chủ quan đậm nét trong lời văn của mình, thể hiện rõ qua giọng điệu tưng tửng, trớt

quớt. Cách vận dụng từ vựng sáng tạo và tinh tế không chỉ khẳng định
Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm

2012
5
tài năng mà còn thể hiện khả năng kết hợp từ vô cùng độc đáo của chị.
3.3. Từ nghề nghiệp
3.3.1. Thống kê, phân loại từ nghề nghiệp trên phương diện từ loại
Qua quá trình khảo sát, thống kê và phân loại từ nghề nghiệp, chúng tôi thu được 332 từ giàu

sắc thái tu từ. Từ nghề nghiệp ở đây thuộc hai nghề là nuôi vịt chạy đồng và nghề ca cải

lương. Trong đó bao gồm 192 danh từ (chiếm 57,8%), 121 động từ (chiếm 36,5%), 19 tính

từ (chiếm 5,7%).
3.3.2. Ý nghĩa của lớp từ nghề nghiệp trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Sử dụng một lượng không nhỏ từ nghề nghiệp, cụ thể là nghề nuôi vịt chạy đồng và nghề hát

cải lương, Nguyễn Ngọc Tư đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thực, cụ thể về những

con người Nam Bộ gắn bó sâu sắc với nghề. Những từ nghề nghiệp được sử dụng đúng lúc,

đúng chỗ giúp cho chân dung con người lao động gắn liền với nghề hiện lên một cách đầy đủ

và chân xác. Điều này nhằm thể hiện sự cá tính hoá nhân vật. Việc sử dụng một cách nhuần

nhuyễn lớp từ nghề nghiệp cho thấy tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của Nguyễn

Ngọc Tư, luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc tìm tòi, ghi nhận để làm giàu vốn từ, góp

phần thể hiện hiệu quả bức tranh hiện thực cuộc sống trong tác phẩm. Sự xuất hiện của từ

nghề nghiệp cho thấy sự trải nghiệm, thấu hiểu đối với những ngành nghề được chị nói đến.
3.4. Từ vay mượn
3.4.1. Thống kê, phân loại từ vay mượn
Hệ thống từ vay mượn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được chúng tôi chia làm hai nhóm

lớn là từ vay mượn từ tiếng Khme và từ phiên âm từ tiếng Anh, tiếng Pháp. Từ vay mượn

tổng cộng có 210 từ. Trong đó, từ vay mượn của tiếng Khme gồm 186 từ, chiếm 88,6%. Từ

vay mượn phiên âm từ tiếng Anh, Pháp gồm 24 từ, chiếm 11,4%.
3.4.2. Giá trị nổi bật của từ vay mượn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Sự góp mặt của lớp từ vay mượn làm giàu thêm hệ thống từ vựng trong tác phẩm của

Nguyễn Ngọc Tư. Có những sự vật, hiện tượng nếu không dùng từ vay mượn sẽ khó lòng

diễn đạt được. Bộ phận từ vay mượn từ tiếng Khme chiếm số lượng lớn và quan trọng. Bắt

buộc phải có chúng mới thể hiện được bức tranh hiện thực mà Nguyễn Ngọc Tư đang khắc

hoạ. Việc sử dụng từ vay mượn một cách hiệu quả và đúng đắn giúp cho tác phẩm bám sát

hiện thực đời sống nhiều hơn. Điều mong mỏi của một người viết có ý thức về ngòi bút là

người khác phải hiểu được mình. Một khi Nguyễn Ngọc Tư cố ý sử dụng từ vay mượn là chị

đã có chủ ý gửi vào đó một ý tưởng, một hiệu ứng nghệ thuật, tô đậm phong cách riêng. Hệ

thống từ vay mượn cho thấy nhà văn có ý thức cao trong việc học hỏi, tiếp biến từ vựng của

tiếng nước ngoài cũng như góp phần đẩy cao sự phát triển của từ vựng tiếng Việt trên hành

trình cải tiến và hoàn thiện.
4. Kết luận
Tuy mỗi lớp từ vựng đem lại những hiệu quả nghệ thuật khác nhau song nhìn chung, chúng

đều phục vụ cho việc thể hiện một lối văn mang đậm tính khẩu ngữ, mộc
Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm

2012
6
mạc, giản dị, quen thuộc như lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ. Điều này góp phần lý

giải cho giọng văn chân chất, hồn hậu mà Nguyễn Ngọc Tư thể hiện trong mỗi câu chuyện.

Sau quá trình đi sâu nghiên cứu về vấn đề “Các lớp từ vựng giàu sắc thái tu từ trong truyện

ngắn Nguyễn Ngọc Tư”, chúng tôi nhận thấy, điểm quan trọng nhất trong nghệ thuật sử dụng

ngôn từ của Nguyễn Ngọc Tư là chị đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn vốn từ vựng phong

phú và đặc sắc của chính quê hương mình vào trong sáng tác. Có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư

đã bảo tồn được nét văn hoá vùng miền đậm nét trong các sáng tác của mình.
Về mặt lí luận, đây là một công trình nghiên cứu có hệ thống về các lớp từ vựng giàu sắc thái

tu từ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Qua đó làm nổi bật những đóng góp quan trọng về

mặt ngôn ngữ trong các sáng tác của chị. Về mặt thực tiễn, công trình là một tài liệu hữu ích

tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn

Ngọc Tư. Những nội dung mà chúng tôi đã trình bày vừa mang tính mở vừa có nhiều vấn đề

vẫn còn là ẩn số. Hi vọng, đây là những gợi ý hữu ích để ngày càng có nhiều công trình nghiên

cứu chuyên sâu về truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
5. Tài liệu tham khảo
[1] Đinh Trọng Lạc (2003), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo

Dục, tr.19-37.
[2] Nguyễn Ngọc San (chủ biên) (2003), Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nhà xuất bản Đại học

Sư Phạm, tr.117-147.
[3] Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa

No comments:

Post a Comment