Saturday 17 May 2014

Từ ngữ có gì giống như cục pin?



Từ ngữ mang nghĩa như cục pin mang điện. Nghĩa tích (tiếng Pháp: charge sémantique) của từ ngữ giống điện tích (tiếng Pháp: charge électrique) của cục pin. Pin mới thì điện mạnh cũng như từ ngữ mới mẻ có thể gây cảm xúc mãnh liệt, lôi cuốn người đọc, người nghe. Pin dùng lâu ngày, điện yếu dần; từ ngữ dùng tới dùng lui mọi lúc, mọi nơi thành ra sáo mòn, không khác gì những cục pin cũ. Pin cũ rồi đem sạc lại vẫn không thể mạnh như pin mới; sạc nhiều lần quá thì bị chai, không còn khả năng tích điện nữa, phải thải. Từ ngữ cũng thế: khi tần số sử dụng vượt quá một giới hạn nào đó, sẽ xảy ra hiện tượng mất nghĩa, tức là nghĩa tích xuống đến tận cùng bằng không và ở đó luôn, không nhúc nhích, bất chấp mọi cố gắng định nghĩa lại, lý giải lại.

Khi theo dõi các diễn ngôn chính trị hiện nay, ta thấy rất khó nhận ra sự khác biệt giữa các phe nhóm. Một chiến lược ngôn từ được tất cả các bên đồng loạt triển khai là tận dụng, thâm dụng, tái sử dụng triệt để vốn từ ngữ giúp phe mình giành lấy vị thế chính thống. Người đứng ra phản đối luật biểu tình bảo rằng nhân dân không muốn biểu tình; người ủng hộ luật biểu tình cũng dựa vào nhân dân để đập lại phe kia. Rồi họ xoay nhau bắt bẻ định nghĩa của từ ngữ, nội hàm của khái niệm... như thể là việc sạc lại nội dung cho cục pin từ ngữ vẫn còn có tác dụng. Vì vậy mới có anh bộ trưởng nọ dụ dân như dỗ con nít ăn kẹo “Đóng thêm nhiều phí là yêu nước”. Mấy chục nghìn tỷ đồng của dân bốc hơi, anh Tư gọi là “sai phạm”, anh Ba chống chế là “khuyết điểm”, chung quy vẫn là những từ ngữ giữ cho các anh yên ổn giương cao ngọn cờ chính nghĩa.
Chiến lược tái sử dụng pin cũ cho thấy bản chất của diễn ngôn chính trị hiện nay là (họ, những người nắm giữ quyền lực) “nói cho nhau nghe”. Không phe nhóm hay cá nhân nào có ý định tìm kiếm sự ủng hộ từ phía những người đứng ngoài hệ thống quyền lực nên không cần phải dụng công tìm kiếm những từ ngữ mới mẻ, đủ sức lôi cuốn những người thấp cổ bé họng. Anh bộ trưởng kêu gọi dân đóng thêm phí là thể hiện lòng yêu nước, không dè là người dân đã quá mệt mỏi qua nhiều năm dài với rừng khẩu hiệu huy động sức dân: Thi đua là yêu nước Mua công trái là yêu nước / Đóng thuế là yêu nước... Đồng tiền dính liền khúc ruột.  Người móc tiền ra nộp cần biết đồng tiền đó đi đâu, về đâu. Nhưng vốn từ của bộ trưởng quanh đi quẩn lại chỉ có thế thôi, không nói khác được. Chẳng riêng gì anh, anh nào cũng thế.

No comments:

Post a Comment