Wednesday, 23 April 2014

Vẫn chưa qua cái thời sợ hãi vu vơ...



Luận văn của Nhã Thuyên nhắc tôi nhớ tới một thời tưởng chừng đã xa.
Năm 1998, khoảng tháng 8, tôi ra bảo vệ luận án cấp cơ sở (từ ngữ cũ gọi là bảo vệ thử). Khi một trong những người giới thiệu luận án (từ ngữ cũ gọi là phản biện) là thầy Trần Ngọc Thêm phát biểu đến đoạn:
-Tiếng là thống kê ngẫu nhiên nhưng chẳng có gì là ngẫu nhiên. Anh ấy đưa vào đếm cả Nỗi Buồn Chiến Tranh. Thiếu gì tác phẩm mà phải dùng một tác phẩm có vấn đề về chính trị? Anh ấy thích quyển ấy thì anh ấy đếm chứ không phải là ngẫu nhiên.
Thầy Huỳnh Bá Lân, trưởng phòng đào tạo sau đại học, quên cả xin phép hội đồng, lập tức đứng dậy, chém tay, giọng hùng hồn:
-Nếu tác phẩm có vấn đề về chính trị thì dứt khoát phải đưa ra.
Tôi không trả lời câu hỏi của thầy Thêm. Trả lời cách nào cũng không ổn. Thực sự là không có cách trả lời ổn thỏa trong vòng vài phút, vì tất cả những gì liên quan đến phương pháp thu thập ngữ liệu đã được trình bày thành nội dung của một chương luận án (chương 2). Thầy Nguyễn Đức Dân, người hướng dẫn luận án, đứng lên bênh, đại ý là nguyên tắc ngẫu nhiên vẫn được bảo đảm nếu tổ chức thống kê với quy mô thế nào, thế nào, theo cách phân tầng, phân lớp thế nào, thế nào...., thực chất là tóm tắt lại một phần nội dung chương 2 cho cử tọa không có văn bản luận án trong tay.  Nhưng thầy không nói gì chuyện Bảo Ninh cả.
Bốn tháng sau tôi nộp lại luận án đã sửa chữa theo các ý kiến của hội đồng cấp cơ sở. Thầy Huỳnh Bá Lân, sau khi kiểm tra đầy đủ chữ ký của các vị giáo sư có liên quan, còn cẩn thận hỏi:
-Em bỏ cái tác phẩm có vấn đề về chính trị rồi phải không?
Tôi cười:
-Thầy yên tâm. Em bỏ ra ngoài rồi.
Thầy Lân cũng cười, hiền lành:
-Em làm vậy là đúng. Thiếu gì  tác phẩm cho mình nghiên cứu. Đừng....[khá dài, quên rồi].
Bản luận văn đó ra Hà Nội không gặp vấn đề gì về chính trị với các phản biện kín (sau này biết là các thầy Nguyễn Thiện Giáp và Đào Thản) trong khi một luận án khác cùng trường viết về quan hệ Việt Úc bị phản biện kín đòi bác vì phản động (nghe nói ông thầy của chị H. phải bay ngay ra Bắc để giải trình ; rồi cũng qua, tức là không có gì phản động). Tháng 8-1999 tôi được phép bảo vệ cấp nhà nước (từ ngữ cũ là bảo vệ chính thức).

Mười sáu tháng sau tôi bảo vệ một luận án khác ở Pháp. Luận án có năm chương. Chương thứ ba viết về các đặc tính thống kê của từ (caractères statistiques du mot) và một số đoạn trong các chương tiếp theo sử dụng ngữ liệu là quyển Nỗi Buồn Chiến Tranh. Bài La collocation et la notion d’intégrité formelle du mot (http://tutrachoc.blogspot.com.au/2014/04/la-collocation-et-la-notion-dintegrite.html) là một đoạn trích từ chương 3 của luận án đó, lẽ ra đã được công bố sớm hơn ở Việt Nam nhưng lại được đem đi tính thành tích cho đại học Pháp. Chung quy chỉ vì mình hèn.

Phản biện luận án là các ông Pierre Lafon, tác giả của mô hình siêu bội mà tôi vận dụng ở chương 3 của luận án, và Nguyễn Phú Phong. Tôi không có hân hạnh quen biết hai vị trước ngày ra bảo vệ, nhưng ở hội đồng đó tôi có niềm tin là mình không bị chụp cho cái mũ phản động, cái niềm tin mà tôi chưa từng có khi ra trước một hội đồng gồm toàn các thầy đã dạy mình suốt bao nhiêu năm ở Việt Nam. Ở Pháp muốn đếm từ trong một tác phẩm như Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, không nhất thiết phải là một người dũng cảm, càng không cần có tư chất của một kẻ nổi loạn. Họ chỉ cần mình... biết đếm.

1 comment:

  1. Đó là một thực tế đã, đang và sẽ còn tồn tại. Không biết đến bao giờ người ta mới bỏ được cái kiểu vơ cả khoa học và chính trị vào cả một cái chét tay. Nhìn đâu cũng thấy dường như có người đang bóng gió...

    ReplyDelete