Monday, 7 January 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ GIỚI TÍNH ĐẾN MỨC ĐỘ TẬP TRUNG TỪ NGỮ VÀ VIỆC SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO TỪ CỦA ĐỐI TƯỢNG SINH VIÊN



TÓM TẮT
Thông qua một số thực nghiệm với những kết quả cụ thể, bài viết góp phần chỉ ra những tác động nhất định của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ và việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của đối tượng sinh viên. Cụ thể, bài viết sẽ làm rõ mức độ tập trung từ ngữ của nam và nữ sinh viên trong liên tưởng tự do và trong tạo lập văn bản. Bên cạnh đó, bài viết còn khảo sát những văn bản do hai giới tạo lập để chỉ ra những phương thức cấu tạo từ được mỗi giới ưa dùng. Từ những kết quả nghiên cứu này, bài viết muốn góp thêm những minh chứng và biện giải làm sáng tỏ hơn mối quan hệ tác động hai chiều giữa giới tính và ngôn ngữ nói riêng, giữa ngôn ngữ và xã hội nói chung.
Từ khóa: Giới tính, ngôn ngữ, từ ngữ, phương thức cấu tạo từ, sinh viên


Ngôn ngữ được xem như là “tấm gương soi của xã hội”,chiếc hàn thử biểu để đo nhận thức của xã hội” về mọi mặt đời sống của con người trong các xã hội khác nhau, ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau [5]. Xã hội thay đổi thúc đẩy ngôn ngữ phát triển để ghi lại và phản ánh những biến chuyển đó. So với ngữ âm và ngữ pháp, từ vựng thường được coi là bình diện ngôn ngữ có sự thay đổi nhanh nhất.
Ở Việt Nam, nghiên cứu liên ngành đang được các nhà ngôn ngữ học rất quan tâm. Bên cạnh xu hướng nghiên cứu xuyên văn hoá (cross-cultural), liên văn hoá (inter-cultural), xu hướng nghiên cứu về bản chất xã hội của ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ giới nói riêng cũng đã và đang được chú ý trong những năm vừa qua. Đây chính là hướng nghiên cứu đa ngành và liên ngành nhằm giải quyết các vấn đề vốn rất hấp dẫn và phong phú nhưng không hề dễ dàng về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và
xã hội, đặc biệt là quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính” [5].
Cùng với các nhân tố như địa vị, quan hệ xã hội, bối cảnh văn hóa, sự phát triển kinh tế, giáo dục, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ văn hóa…giới tính cũng có những ảnh hưởng nhất định đến thái độ ngôn ngữ (bao gồm cả tinh thần và hành vi) của các đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó có đối tượng sinh viên.
Bài viết này góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính qua phương diện: Ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ (cụ thể là tập trung từ) và việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của đối tượng sinh viên.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành hai thực nghiệm ngôn ngữ trên 200 sinh viên (100 nam và 100 nữ) thuộc Khoa Văn – Xã hội, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.
1. Ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ
Thực nghiệm 1: Người tiến hành thực nghiệm chuẩn bị phiếu để phát cho 100 thông tin viên (50 nam và 50 nữ). Mỗi phiếu bao gồm 30 từ cho sẵn (10 danh từ, 10 động từ, 10 tính từ). Trong vòng 15 giây với mỗi từ, không bị chi phối bởi hoàn cảnh xung quanh, thông tin viên sẽ ghi ra tất cả những từ xuất hiện trong đầu mình mà từ đã cho gợi ra.


1.1 Mức độ tập trung từ ngữ trong liên tưởng tự do
Phân tích 100 phiếu khảo sát độ tập trung từ ngữ của hai giới trong vòng 450 giây (15giây/từ): (50 phiếu của nam, 50 phiếu của nữ), kết quả thu được như sau:
Bảng 1: Mức độ tập trung từ ngữ trong tư duy liên tưởng tự do của mỗi giới   
(Đơn vị: từ)

TS từ
Tỉ lệ %
TB/
ng
TB/ng/phút
Nữ
7570
60,03
151,4
20,18
Nam
5040
39,97
100,8
13,14

Các phiếu điều tra thu được cho thấy trong vòng 7,5 phút (30 từ × 15 giây = 450 giây = 7,5 phút), trung bình nữ giới sẽ huy động được 151,4 từ, nam giới sẽ huy động được 100,8 từ. Trung bình 1 phút, nữ giới sẽ huy động được 20,18 từ và nam giới sẽ huy động được 13,14 từ. Như vậy, trong liên tưởng tự do, trung bình mức độ tập trung từ ngữ của nữ cao hơn nam là 1,53 lần (tức nhanh hơn 7,04 từ/phút).
Điều này cho thấy, mặc dù trình độ và lứa tuổi ngang nhau nhưng vốn từ ngữ tiềm năng trong tư duy liên tưởng tự do của nữ giới thường phong phú hơn nam giới và khả năng huy động từ ngữ của nữ giới cũng nhanh hơn nam giới.
1.2 Mức độ tập trung từ ngữ trong tạo lập văn bản
- Thực nghiệm 2: Người tiến hành thực nghiệm chuẩn bị sẵn các chủ đề  (gia đình, tình bạn, tình yêu, lý tưởng, nghề nghiệp…) đề để phát cho 100 thông tin viên (50 nam và 50 nữ). Các thông tin viên chọn một trong các chủ đề đó để tạo lập một văn bản hoàn chỉnh trong vòng 15 phút. Dựa vào các văn bản này, chúng tôi tính được mức độ tập trung từ ngữ của hai giới với kết quả cụ thể như sau:

Bảng 2: Mức độ tập từ ngữ trong văn bản do mỗi giới tạo lập

TS câu
TS
từ
Độ dài TB của VB   (từ)
TB/Ng/
phút
(từ)
Nữ
445
7708
154,16
10,27
Nam
383
8324
166,44
11,09
Biểu đồ 1: So sánh mức độ tập trung từ vựng trung bình của mỗi giới
(Đơn vị: từ/phút)
            Xét văn bản do hai giới tạo lập, tư liệu của chúng tôi cho thấy:
- Mức độ tập trung và huy động từ ngữ của nam giới cao hơn nữ giới. Cụ thể là: Trung bình nữ giới huy động được 10,27 từ/phút; còn trung bình nam giới huy động được 11,09 từ/phút. Như vậy, trung bình nam giới sẽ huy động được nhiều hơn nữ giới 0,82 từ/phút.
- So với mức độ tập trung từ ngữ trong liên tưởng tự do, mức độ tập trung và huy động từ ngữ của cả hai giới trong tạo lập văn bản đều thấp hơn khá nhiều. Cụ thể:
+ Trung bình 1 phút, trong liên tưởng tự do, nữ giới huy động được 20,18 từ; trong tạo lập văn bản chỉ huy động được 10,27 từ. Tỉ lệ chênh lệch này là 1,96 lần;
+ Trung bình 1 phút, trong liên tưởng tự do, nam giới huy động được 13,14 từ; trong tạo lập văn bản huy động được 11,09 từ. Tỉ lệ chênh lệch này là 1,18 lần.
Sự giảm xuống đáng kể này là do, từ việc huy động từ ngữ trong “tư duy” đến việc sắp xếp chúng thành văn bản theo chủ đề đòi hỏi cả hai giới phải mất nhiều thời gian để lựa chọn, tổ chức từ ngữ đó theo những “quy tắc” nhất định. Hay nói cách khác, việc huy động từ ngữ để tạo lập văn bản ở mỗi người đều phải trải qua quá trình “tư duy” để “chọn lựa, sắp đặt” từ ngữ đồng thời theo cả hai quan hệ: quan hệ liên tưởng và quan hệ tuyến tính nhằm thể hiện đúng dụng ý của người tạo lập. Những con số trên cũng chỉ ra rằng, trong việc tạo lập văn bản, khả năng tập trung và huy động từ ngữ của hai giới khá đều nhau và đều thấp hơn khá nhiều so với khi liên tưởng tự do. Điều này cho thấy, việc thực hiện thao tác “ngầm” lựa chọn, sắp xếp từ ngữ để tổ chức chúng theo những quan hệ kết hợp nhất định tạo thành văn bản sẽ mất thời gian hơn khi huy động chúng một cách tự do. Không những thế, qua đây, chúng tôi cũng nhận thấy một điều rất thú vị: Mặc dù khả năng tập trung từ ngữ của nam giới theo liên tưởng tự do không cao bằng nữ giới nhưng mức độ huy động, tập trung và tổ chức từ ngữ của họ trong việc tạo lập văn bản lại cao hơn nữ giới về tốc độ. Và sự chênh lệch trong việc huy động từ ngữ của nam giữa liên tưởng tự do và tạo lập văn bản cũng thấp hơn sự chênh lệch ở nữ. (nam chênh: 1,18 lần; nữ chênh 1,96 lần).
Những số liệu trên đã phần nào chứng tỏ giới tính cũng có những ảnh hưởng nhất định đến thái độ ngôn ngữ của nam và nữ sinh viên hay nói cách khác việc tập trung từ ngữ của nam và nữ khác nhau một phần là do sự chi phối của nhân tố giới tính. Nhà ngôn ngữ học R.Lakoff (1973) và GS. Nguyễn Văn Khang đã có những kiến giải về nguyên nhân sâu xa của vấn đề này: “Nữ tính không dễ thay đổi thái độ trung thành của mình đối với ngôn ngữ. Tính cách của họ tương đối bảo thủ không giống nam giới. Họ không đi chệch khỏi giá trị ngôn ngữ, mặc dù họ có thể giao du ít hơn nam. Mẫn cảm của nữ giới mạnh hơn nam giới.” [4,tr.77].

2. Ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ
Theo Lê Đình Tư, Vũ Ngọc Cân: “Phương thức (PT) cấu tạo từ là cách thức và phương tiện mà các ngôn ngữ sử dụng để tạo ra các kiểu cấu tạo từ”[8]. Xét ở cấp độ chung nhất, có thể nêu ba phương thức cấu tạo từ chủ yếu sau đây: PT phụ gia; PT ghép; PT láy.
Tuy nhiên, khi xét PT cấu tạo từ tiếng Việt, nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến lại quan niệm có các PT sau: PT dùng một tiếng làm một từ sẽ cho ta các từ đơn (hay từ đơn tiết). Một số tác giả còn gọi PT này là PT từ hóa hình vị. PT tổ hợp (ghép) các tiếng lại, mà giữa các tiếng (thành tố cấu tạo) đó có quan hệ với nhau về nghĩa, sẽ cho ta những từ gọi là từ ghép. PT tổ hợp các tiếng trên cơ sở hoà phối ngữ âm cho ta các từ láy (từ lấp láy, từ láy âm). PT kết hợp một số với nhau một cách ngẫu nhiên, không dựa trên quan hệ ý nghĩa và quan hệ hòa phối ngữ âm (từ ngẫu hợp). Nhưng do giới hạn của bài viết, chúng tôi xin không bàn đến nhóm từ ngẫu hợp này trong quá trình khảo sát. [3, tr.142–152]. Chúng tôi tiến hành phân tích việc sử dụng các PT cấu tạo từ của nam và nữ sinh viên theo quan điểm của nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến.
2.1 Kết quả khảo sát, thống kê
Chúng tôi sử dụng kết quả khảo sát thu được từ thực nghiệm 1. Phân tích100 phiếu điều tra về mức độ tập trung từ ngữ của 50 sinh viên nam và 50 sinh viên nữ, chúng tôi thu được kết quả như sau (xem bảng 3, biểu đồ 2).
         2.2 Nhận xét
Nhìn vào bảng khảo sát (bảng 3) và biểu đồ (biểu đồ 2), chúng tôi rút ra một số nhận xét mang tính định lượng như sau:
- Cả hai giới đều ưa dùng PT cấu tạo từ bằng cách tổ hợp các tiếng (theo quan hệ nghĩa hoặc quan hệ hòa phối ngữ âm). PT dùng một tiếng làm một từ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.


Bảng 3: Việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của nam và nữ sinh viên
PT
cấu tạo từ
Tổng
số
PT dùng 1 tiếng làm một từ
PT tổ hợp các tiếng
QH  nghĩa
QH ngữ âm
Từ
%
Từ
%
Từ
%
Từ
%
Nữ
7570
100
881
11,63
6284
83,02
405
5,35
Nam
5040
100
542
10,76
4265
84,62
233
4,62



Biểu đồ 2: Việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của nam và nữ sinh viên
Ví dụ: Ở nữ giới: Sử dụng PT tổ hợp các tiếng chiếm 88,37% , sử dụng PT dùng một tiếng làm một từ chiếm 11,63%. Ở nam giới: Sử dụng PT tổ hợp các tiếng chiếm 89,24%, sử dụng PT dùng một tiếng làm một từ chiếm 10,76 %
- Xét trong PT tổ hợp các tiếng, hai giới sử dụng PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa (tạo ra từ ghép) cao gấp khoảng 7 đến 8 lần so với PT dùng một tiếng làm một từ và cao gấp khoảng từ 15 đến 18 lần PT tổ hợp các tiếng dựa trên quan hệ hòa phối ngữ âm (tạo ra từ láy).
Ví dụ: Nữ giới sử dụng PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa cao gấp 7,16 lần PT dùng một tiếng làm một từ và cao gấp 15,43 lần PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ hòa phối ngữ âm. Nam giới sử dụng PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa cao gấp 7,86 lần PT dùng một tiếng làm một từ và cao gấp 18,34 lần PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ hòa phối ngữ âm.
Điều này rất phù hợp với đặc điểm loại hình đơn tiết của tiếng Việt: Thường tạo ra từ mới thông qua phương thức tổ hợp các tiếng. Đặc biệt là PT tổ hợp các tiếng dựa trên quan hệ về nghĩa.
- Xét trong mối tương quan giữa nam và nữ, nữ thường đều có xu hướng sử dụng tất cả các PT cấu tạo từ cao hơn với nam giới. Cụ thể là:
+ PT dùng một tiếng làm một từ: nữ sử dụng cao hơn nam 1,61 lần (nữ: 881 từ so với nam: 542 từ)
+ PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa: nữ sử dụng cao hơn nam 1,47 lần (nữ: 6284 từ so với nam: 4265 từ)
+ PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ hòa phối ngữ âm: nữ sử dụng cao hơn nam 1,75 lần (nữ: 405 từ so với nam: 233 từ)
Những số liệu này chứng tỏ mức độ tập trung, huy động từ ngữ trong tư duy của nữ giới cao hơn nam giới. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tư duy của chúng ta có thể được tượng hình rõ, cụ thể hóa bằng ngôn ngữ khi chúng được sắp xếp. Không có từ ngữ, ý tưởng cũng không thể được tạo thành. Tuy nhiên, quá trình tư duy của con người thay đổi ở từng độ tuổi và được phản ánh trong ngôn ngữ. Ở tuổi trưởng thành khi tư duy của con người phát triển, thiên về lối tư duy trừu tượng, đòi hỏi phải có vốn ngôn ngữ phong phú để chứa đựng, truyền tải hết những phức tạp, đa dạng trong mọi khía cạnh của tư tưởng. Đồng thời, những khác biệt về mặt sinh học cũng có những ảnh hưởng đến việc tư duy và sử dụng ngôn ngữ của từng người nói chung, của đối tượng nam và nữ sinh viên nói riêng.
Ngôn ngữ không thuộc về riêng một giai tầng, một giới nào mà thuộc về toàn xã hội. Nhưng trong thực tế, mỗi giới đã, đang và sẽ sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình để hình thành nên khái niệm phương ngữ giới tính. Sự hình thành và biểu hiện của ngôn ngữ giới tính ở mỗi lứa tuổi là rất khác nhau.  Chính thiên chức, địa vị và tính cách của mỗi giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên loại phong cách ngôn ngữ thú vị này. Do ngôn ngữ và xã hội có mối quan hệ hai chiều nên qua ngôn ngữ chúng ta biết được những quan niệm (bình đẳng hay bất bình đẳng) về giới và ngược lại, từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể góp phần làm thay đổi quan niệm về giới thông qua việc tác động vào cách sử dụng ngôn ngữ của các giai tầng và mỗi giới trong xã hội.
Thông qua một số thực nghiệm với những kết quả cụ thể, bài viết đã phần nào chỉ ra những tác động của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ và việc sử dụng một số PT cấu tạo từ của đối tượng sinh viên. Từ đó, bài viết góp thêm những minh chứng làm sáng tỏ hơn mối quan hệ hai chiều giữa giới tính và ngôn ngữ nói riêng, giữa ngôn ngữ và xã hội nói chung.

 





SUMMARY
EFFECT OF GENDER FACTOR TO CONCENTRATION WORD LEVEL
 AND USING WORD CONSTRUCTION  METHODS  OF THE STUDENTS
Nguyen Thi Tra My
College of SciencesThai Nguyen University

Through some experimentations with concrete results, the article shows the impact of gender factor on the degree of concentration of words and using the methods to compose the preferred words of Vietnamese students. Specifically, the article clarifies the degree of words concentration of both male and female students in freely connecting ideas and in creating texts. Besides, the article also examines the texts that were created by students of each gender to indicate the specific methods that each gender prefers to compose words. From the results of this study, this article contributes further evidences and explaination to clarify the mutual influence between gender and language in particular, and between language and society in general.
Key words: Gender, languague, word, word construction  methods, student



Tài liệu tham khảo
[1]. Đỗ Hữu Châu (1986), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội.
[2]. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Mai Ngọc Chừ, Vữ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4]. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Văn Khang (2011), Xã hội học ngôn ngữ về giới: Sự kì thị và sự chống kì thị đối với nữ giới trong sử dụng ngôn ngữ, http://www.vienngonnguhoc.gov.vn/?act=Science&do=Detail&nid=166
[6]. Hoàng Bá Thịnh (2008), Giáo trình Xã hội học về giới, Nxb ĐHQG HN, Hà Nội.
[7]. Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb KHXH, Hà Nội.
[8]. Lê Đình Tư, Vũ Ngọc Cân (2009). Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội.



* Tel: 0983 732 638     Email: tramy.vnnn@gmail.com

No comments:

Post a Comment