Monday 28 April 2014

Phan Trọng Thưởng và những dấu... ấn của quỷ



Câu đầu tiên trong phần kết luận và kiến nghị số 1 của Phan Trọng Thưởng dài khoảng 140 từ (từ đây hiểu theo nghĩa là những gì ở giữa hai khoảng trắng) với bảy (7) dấu chấm phẩy:
1 – Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” với rất nhiều quan điểm chính trị và học thuật sai trái, mang tính chất kích động, đả phá chế độ, xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá sai lệch về sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước; không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận  và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước...

Các vị Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn không dùng dấu chấm phẩy nào khi viết nhận xét luận văn của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên).

Dấu chấm phẩy không phải là tội lỗi cần tránh, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy câu văn sẽ dài ra. Khi các dấu chấm phẩy dồn tụ trên một đoạn văn bản chật hẹp, chúng có tác dụng tương tự những nhát búa nện đều đều vào óc người đọc (thử nghe một bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng thì biết), không giúp ích gì cho việc theo dõi nội dung. Khi cần liệt kê quá nhiều, người viết nên dùng các gạch đầu dòng thay vì dùng dấu chấm phẩy, như cách học sinh phổ thông ghi ý 1, ý 2, ý 3...
Lạm phát dấu chấm phẩy trên văn bản và/hoặc dồn tụ dấu chấm phẩy trên một đoạn văn ngắn là những dấu ấn của quỷ. Bản nghị quyết 23-NQ/TW của bộ chính trị VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI (ngày 16-06-2008) có gần 5800 từ đơn, 32 dấu chấm phẩy. Bản nghị quyết 10 của ban chấp hành trung ương khóa 2 về công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức (năm 1956) khoảng 11000 từ đơn, 47 dấu chấm phẩy. Câu cú qua tay các vị thư lại ấy mà không có dấu chấm phẩy không thể thành nghị quyết.
Người Việt ở nước ngoài viết báo Nhân Dân cũng thích dùng dấu chấm phẩy:
Theo các tài liệu khác thì khẩu hiệu của những người đã làm ra Samisdat là: "Mehr Samisdat schafft mehr Opposition" (Nhiều samisdat tạo ra nhiều chống đối); câu này được viết theo một vòng hình elip, để từ đó có thể hiểu là: nhiều chống đối tạo ra nhiều Samisdat! 
...
Một vài người vì tò mò, hoặc vì muốn cổ vũ phong trào chống đối tại một số nước thì ra vẻ nghiên cứu để khoác cho Samisdat nhãn nghệ thuật, khoa học; còn về đại thể thì đến nay không mấy ai biết Samisdat là cái gì, người thuộc cái gọi là "thơ" trong Samisdat lại càng không.

(Trần Việt Quang & Hồ Ngọc Thắng, Họ đâu cần quan tâm tới khoa học..., http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/22905702-ho-dau-can-quan-tam-toi-khoa-hoc.html)


Nhiều năm trở lại đây, một số tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, nấp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", thường đưa ra nhận xét, đánh giá xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; đáng tiếc là việc làm của các tổ chức, cá nhân này lại được một số nhân vật tự nhận là "nhà dân chủ" ở trong nước phụ họa theo.
...
Tôi muốn bàn về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam khi một số tổ chức phản động cực đoan của người Việt ở nước ngoài và một số phần tử cơ hội ở trong nước được sự "bảo kê" của một số cơ quan truyền thông, một số tổ chức nhân danh "dân chủ, nhân quyền" hỗ trợ tài chính qua các loại "giải thưởng"; từ đó xuyên tạc, bóp méo sự thật, rồi tung hô nhau là "nhà dân chủ" nhằm dễ bề lôi kéo dư luận khi bị pháp luật Việt Nam trừng phạt.
...
Ðối với họ, quá khứ đau thương của dân tộc đã không còn ý nghĩa, mà tương lai cuộc "đấu tranh" của họ thì lại mơ hồ và ảo vọng; nếu thời thế đổi thay, có khi họ lại biến hình thành người khác!
...
Theo chỗ tôi được biết, hiện nay trên thế giới có hai cách tiếp cận quyền con người: thứ nhất, nhân quyền là quyền tự nhiên, không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào và không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người; thứ hai, quyền con người không phải là bẩm sinh và vốn có, mà phải do nhà nước quy định trong pháp luật; và đây là quan điểm đã được phần lớn các quốc gia trên thế giới vận dụng trong khi thực thi quyền con người.
(Trần Mai, Từ hải ngoại nghĩ về các "nhà dân chủ", http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/845402-.html)

2 comments:

  1. THÚ VỊ QUÁ, BẤT NGỜ NỮA!
    CẢM ƠN ĐẶNG THÁI MINH TIÊN SINH.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Giang Nam Lãng Tử đã ghé thăm.

    ReplyDelete