Thursday, 5 February 2015

PGS.TS Lê Khắc Cường: Cần giữ gìn tiếng Việt! (Thiên Thanh - Năng Lượng Mới)


Bản in Bản in  

PGS.TS Lê Khắc Cường: Cần giữ gìn tiếng Việt!

(PetroTimes) - Tiếng lóng, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ mạng đang xâm thực các trang văn học trò cũng như việc sử dụng tiếng Anh một cách tùy tiện ở nước ta hiện nay… làm rất nhiều người lo lắng. Theo PGS.TS Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường (Trưởng khoa Việt Nam học ĐH Khoa học - Xã hội & Nhân văn TP HCM) bên cạnh các giải pháp thì mỗi người cần có ý thức trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

>> Yêu nước thì không như thế!
Năng lượng Mới số 294
PV: Hiện nay, nhiều học sinh phổ thông sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ của mạng xã hội quá nhiều làm cho tiếng Việt bị méo mó, ông cho rằng ngành giáo dục cần có những giải pháp gì để khắc phục?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Thời nào chẳng có… tán gẫu! Vì vậy lỗi không phải ở chat hay mạng xã hội. Nó chỉ là những phương tiện để người ta viết cho nhau… “tán” với nhau. Chỉ có điều là hiện nay những chia sẻ vốn riêng tư hoặc chỉ trong nội bộ một nhóm như thế phát tán nhanh hơn nhờ có mạng mà thôi. Khi trao đổi với nhau bằng máy tính, người viết có thể sử dụng rất nhiều ký hiệu (symbol) có trên bàn phím hoặc trong các bộ gõ để có thể… tùy ý diễn đạt theo cách của mình và nhóm mình. Thật ra nó cũng chỉ là một là dạng tiếng lóng. Đâu phải bây giờ mới có tiếng lóng! Sở dĩ người ta lo ngại bởi trước đây tiếng lóng thường chỉ khu trú trong nội bộ một hoặc một vài nhóm thì nay nó lan ra cộng đồng nhanh chóng hơn nhờ Internet.
Nhan nhản các biển hiệu tiếng Anh trên một khu phố ở TP HCM
Ngành giáo dục cần làm gì ư? Ai cũng có thể có đề nghị này, đề xuất kia với ngành, nhưng theo tôi, chuyện này không chỉ của riêng ngành giáo dục. Bạn có tin rằng, để ngăn thì ngành chỉ cần ban hành vài quy định mang tính hành chính là xong? Nếu thấy đây là một hiện tượng nghiêm trọng thì cả xã hội phải vào cuộc. Đặc biệt là gia đình cần khuyên bảo con cái nếu thấy chúng sa đà vào những câu chữ, ký hiệu kỳ dị. Về phía tôi, tôi nghĩ không nên làm ầm ĩ chuyện này. Các bạn trẻ thường thích cái mới, nhưng cũng chóng chán. Rồi họ sẽ quên những cách diễn đạt đó, vì nó không tự nhiên. Đặc biệt là khi các bạn trẻ trưởng thành, họ khó có thể sử dụng chúng do không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, cũng phải hiểu rằng ngôn ngữ toàn dân không chấp nhận một cách dễ dàng việc du nhập những cách diễn đạt khác thường vào hệ thống của mình.
PV: Bên cạnh đó là việc sử dụng tiếng Anh trên đất nước mình chưa hợp lý. Trong không ít bài báo, trên truyền hình, trên quảng cáo, trên biển hiệu đường phố, trong giao tiếp, ở một số khách sạn, các bảng hướng dẫn cho khách cũng chỉ dùng toàn tiếng Anh chứ không dùng tiếng Việt. Nhiều người cho đó là điều cần thiết trong quá trình hội nhập, nhưng nhiều người khác cho rằng đây là sự tự ti, thiếu tinh thần dân tộc, tự hào về tiếng Việt. PGS nghĩ gì về chuyện này?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Đây là chuyện mà nhiều nhà giáo dục, nhiều phụ huynh đã nhiều lần lên tiếng, bày tỏ mối quan ngại đối với sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi biết không chỉ ở nước ta mà nhiều nước khác cũng như vậy. Hầu hết sinh viên người nước ngoài đang học tại Khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH&NV cũng chêm tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, trong giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Trong đó, có rất nhiều sinh viên từ những nước phát triển cũng dùng tiếng Anh bên cạnh tiếng mẹ đẻ của họ. Vì vậy không thể bảo là việc họ dùng tiếng Anh là “tự ti”. Có thể đấy cũng là một hiện tượng (tôi chưa dám nói là “xu thế”) trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay.
Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng đều thấy khó chịu khi trên báo chí tiếng Việt nhan nhản những từ tiếng nước ngoài. Việc lạm dụng ngoại ngữ của nhiều nhà báo, nhiều tờ báo là không thể chấp nhận. Nhiều trường hợp tiếng Việt hoàn toàn đủ khả năng diễn đạt nhưng họ vẫn sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp… thì đúng là kỳ quái! Thậm chí một từ gốc là tiếng nước ngoài nhưng được Việt hóa từ lâu và viết theo cách của tiếng Việt khiến có lúc ta quên bẵng gốc gác của nó là “cà phê” (trong so sánh với cà pháo, cà chua, cà chớn, cà giựt…) thì nhiều tờ báo cứ viết “café” hoặc “coffee” mới chịu!
Về cấp độ vĩ mô, cần quản lý chặt hơn việc sử dụng tiếng nước ngoài trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông đại chúng phải biết tiết chế tiếng nước ngoài khi viết. Nhưng căn cơ hơn là mỗi người trong chúng ta phải có ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
PV: Hiện nay, vấn đề văn phạm và chính tả trong tiếng Việt cũng có quá nhiều sai phạm. Trên sách báo, một số phóng viên, biên tập viên hầu như không chú ý đến văn phạm, chính tả nên có nhiều sai sót gây phản cảm cho người đọc, ông có thấy khó chịu không?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Đúng là chính tả của chúng ta hiện vẫn còn nhiều chỗ chưa thống nhất. Quan điểm về phiên âm hay giữ nguyên dạng tiếng nước ngoài trên sách báo của ta mỗi nơi mỗi khác. Đấy là những chuyện đáng buồn nhưng chuyện này có thể giải quyết được. Cần nhất là có văn bản. Hy vọng sắp tới Viện Ngôn ngữ học sẽ có những đề xuất thỏa đáng đối với việc thống nhất chính tả.
PV: Với kinh nghiệm của một giảng viên ngôn ngữ học, theo PGS trong khoảng 10 năm trở lại đây, tiếng Việt có những biến đổi như thế nào?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên cũng thay đổi cùng với những thay đổi của xã hội. Mười năm qua là giai đoạn ngôn ngữ có những thay đổi lớn. Câu văn tiếng Việt ngày càng ngắn hơn. Khoảng năm 2000, tôi có thống kê về độ dài của câu trên 2.000 số báo của 4 tờ báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Người Lao động, Phụ nữ, Thanh niên. Kết quả khá “sốc”, hơn 39 từ/câu. Quá dài so với độ dài trung bình lý tưởng (16 từ/câu). Nay thì con số này là khoảng 29 từ/câu. Báo mạng còn ngắn hơn, khoảng 20-25 từ/câu.
Về từ ngữ thì hiện tượng đáng lưu ý là sự ra đời của rất nhiều từ ngữ mới hoặc được “tích hợp” thêm nét nghĩa mới: “khủng”, “hàng” (show hàng, khoe hàng), “đinh”, “phượt”, “chân dài”, “đại gia”; đặc biệt là những thành ngữ mới xây dựng theo kiểu đồng âm như “sát thủ đầu mưng mủ”, “chán như con gián”, “buồn như con chuồn chuồn”… hoặc liên tưởng ngữ nghĩa ngộ nghĩnh như “được voi đòi Hai bà Trưng”, “cố quá thành quá cố”, “xấu nhưng kết cấu nó đẹp”… Những từ ngữ mới này được sử dụng khá nhiều trên báo khiến câu văn sinh động hơn.
PV: Hiện là Trưởng khoa Việt Nam học, nơi có bề dày kinh nghiệm và uy tín trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam trong 15 năm qua, PGS thấy vai trò và vị thế của tiếng Việt hiện nay ra sao?
PGS.TS Lê Khắc Cường: Bên cạnh việc đào tạo bậc cử nhân và bậc thạc sĩ, một hoạt động nổi bật của Khoa Việt Nam học trong 15 năm qua là tổ chức các khóa ngắn hạn về tiếng Việt và các chuyên đề Việt Nam học cho người nước ngoài đang làm việc tại TP HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác ở phía nam. Hiện nay khoa là cơ sở đào tạo có đông học viên người nước ngoài nhất tại Việt Nam. Tính từ năm 1998 đến tháng 11/2013 đã có 34.813 lượt học viên đến từ 73 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi danh học tại khoa, trung bình 2.300 học viên/năm. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không phải là khẩu hiệu mà là một công việc hằng ngày của mỗi thầy cô ở khoa chúng tôi.
Có thể khẳng định, Khoa Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM đã góp phần tích cực trong việc nâng cao vị thế của tiếng Việt trên trường quốc tế. Tiếng Việt đã trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy tại khá nhiều trường đại học và trung học trên thế giới. Mới đây nhất là tháng 5/2013, do nhu cầu học tiếng Việt tăng và do mối quan hệ giữa Hàn Quốc - Việt Nam ngày càng được tăng cường, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chính thức công nhận tiếng Việt là 1 trong 9 ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh đại học tại quốc gia này. Hiện nay, nhiều trường đại học ở Hàn Quốc đã có khoa tiếng Việt, còn ở bậc phổ thông thì Trường Trung học Ngoại ngữ Chungnam (ở thành phố Choenan, gần Seoul) cũng đã thành lập khoa tiếng Việt từ năm 2000.
PV: Cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!

No comments:

Post a Comment