Thursday, 29 March 2012

Từ Hán Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong vốn từ tiếng Việt?

Câu hỏi nhảm, nên chỉ có thể trả lời nhảm thôi: Ai đếm được, ta xin gọi là thầy.
Vấn đề đặt ra trên đây có liên quan đến vài vấn đề con nan giải:
1)      Từ là gì? Anh hùng là một từ hay hai từ? Chủngtrong Hợp Chủng Quốc có phải là chủng của chủng tộc không, hay phải đếm chung nó với chúng của quần chúngchúng mày, chúng nó?  Nếu công nhận tiếng Việt có từ ghép thì thống kế và thống kê sẽ được gom chung vào một từ vị hay sẽ được tính như hai đơn vị riêng biệt? Nói tóm lại là tùy quan niệm của người nghiên cứu, kết quả đếm được sẽ rất khác nhau, dẫn đến những phân số khác nhau.
2)      Từ Hán Việt là gì? Có người hiểu đơn giản là “từ Việt gốc Hán”. Có người hiểu hẹp hơn là “từ Việt gốc Hán trên cơ sở Đường âm”. Trong nhiều trường hợp, xác định gốc Hán cho một từ Việt không phải chuyện dễ; khẳng định đó là âm Hán thượng cổ, trung cổ, hậu Hán Việt... càng phức tạp hơn.
3)      Tiếng Việt là tiếng Việt nào? Người ta thường hiểu ngầm là tiếng Việt hiện đại, không phải tiếng Việt của Nguyễn Trãi hay Quang Trung. Nhưng tiếng Việt hiện đại bắt đầu từ năm nào? Gia Định Báo hay Nông Cổ Mín Đàm có được xem là thuộc về giai đoạn hiện đại không? Tiếng Việt của bọn phản động có được tính đếm không? Nếu chỉ tính xuất bản phẩm dưới một chế độ chính trị nhất định, trong một quãng thời gian nhất định thì có gom tất cả các thể loại không hay chỉ giới hạn ở một phong cách nào đó (thơ, truyện ngắn, truyện dài, luận án...)?
4)      Vốn từ là gì? Chỉ là tập hợp tất cả các đơn vị từ vựng nhận diện được trên văn bản thực (giả sử vấn đề con số 1 đã được giải quyết) hay kể luôn cả những đơn vị có khả năng xuất hiện nhưng ta chưa gặp? Không có cái bộ phận tiềm tàng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “từ mới”, nhưng làm thế nào đo đếm hay ước lượng cái phần chìm của tảng băng?
5)      Ta có sống đủ lâu để nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề con đã nêu không?

No comments:

Post a Comment