Một nhà giáo tâm huyết với nghề
Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân sinh năm 1936, quê quán tại xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam. Ông là một trong các hậu duệ xuất sắc của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - nhà thơ Nguyễn Khuyến. Năm nay ngấp nghé bước vào tuổi bát thập, cái tuổi được gọi là “xưa nay hiếm”, thế nhưng hiếm khi người ta thấy ông lại nghỉ ngơi.
Sự
yêu thích chuyên môn và lòng say mê với sự nghiệp “trồng người” khiến
giáo sư quên đi cả những năm tháng tuổi già để “trẻ lại” cùng các thế hệ
học trò thân yêu và với các bộ môn khoa học non trẻ mà ông là một trong
các chuyên gia đầu ngành có công tạo dựng ở Việt Nam. Đó là môn Ngôn
ngữ học thống kê, ký hiệu học và một bộ môn thuộc khoa học liên ngành:
Lô gích và tiếng Việt. Đó là những môn “độc chiêu” mà ông đã tham gia
giảng dạy trong suốt mấy chục năm qua ở nhiều trường đại học khác nhau.
Vốn xuất thân từ một giáo viên dạy Toán
(ông tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1957), sau
khi được đào tạo tiến sĩ tại Ba Lan. Về nước, giáo sư Nguyễn Đức Dân trở
thành một cánh chim đầu đàn của môn Ngôn ngữ học thống kê tại Khoa Ngữ
văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Ưu
thế của tư duy toán học đã giúp ông nhanh chóng nắm bắt các tri thức cơ
bản của ngôn ngữ học để sau này tự rèn luyện, làm việc và nghiên cứu,
trở thành một nhà nghiên cứu tài ba trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành và
liên ngành với 18 công trình nghiên cứu (cả viết chung) được xuất bản và
40 bài báo chuyên môn đã công bố trên những tạp chí khoa học trong và
ngoài. Trong đó, tiêu biểu là là các công trình về Ngôn ngữ học thống
kê, Từ điển, Lô gích-ngữ nghĩa và cú pháp, Lô gích và tiếng Việt, Ngữ
dụng học… Điểm đáng chú ý là, ngay từ gần nửa thế kỷ trước, khi nhiều
nhà nghiên cứu còn giương cao chủ thuyết tích cực đi vào “chuyên môn
hẹp” với tinh thần “càng hẹp càng sâu” thì GS. Nguyễn Đức Dân đã nhìn
thấy tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành. Bởi vậy, ngay từ buổi mới
“vào cuộc” ngoài cái lĩnh vực rất chuyên sâu (ngôn ngữ học thống kê) ông
đã hướng tới một chân trời khoa học mà ở đó cần phải có sự liên kết
chặt chẽ của nhiều ngành khoa học mới có thể nhận thức bản chất của đối
tượng một cách sâu sắc. Với cách nhìn tỉnh táo đó, ông đã mạnh dạn khoan
những mũi khoan vào nhiều điểm khác nhau của một đối tượng “khổng lồ”
là tiếng Việt trên nhiều phương diện nghiên cứu ở cấp độ từ, cú pháp,
văn bản. Những công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học của ông vì
thế luôn có một nét riêng không dễ trộn lẫn với các nhà nghiên cứu khác.
Nó mở ra một hướng đi mới trong nghiên cứu tiếng Việt bên cạnh các xu
hướng nghiên cứu truyền thống, nghiên cứu đơn ngành.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân/Ảnh: Thành Long
Các thế hệ học trò được GS. Nguyễn Đức Dân
đào tạo thường tiếp thu được ở ông những thao tác nghiêm ngặt trong
nghiên cứu và phương pháp tư duy chặt chẽ. Đây là một đặc điểm nổi bật
trong các công trình khoa học của ông. Có được kết quả này là do ông vốn
đi lên từ một chuyên gia về lô gích học lại xuất thân từ nghề dạy toán.
Những con số chính xác cộng với thói quen của lô gích lập luận làm cho
các công trình khoa học của ông luôn có được một cấu trúc hoàn chỉnh.
Trong đó, mọi miêu tả, phân tích đều dựa trên những cơ sở khoa học chắc
chắn, với những số liệu minh chứng rõ ràng. Bởi vậy, nhiều vấn đề mới
ông khai phá, tuy không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận đối với tất cả
những ai đang làm công tác nghiên cứu chuyên ngành, vẫn có tính thuyết
phục. Đó là chưa nói, một số vấn đề lý thuyết khi ông triển khai vào
thực tiễn lại tạo ra những hấp dẫn riêng.
Có thể nói, một đời làm thầy, GS. Nguyễn
Đức Dân chưa lúc nào ngừng công việc nghiên cứu, khám phá, sáng tạo. Ông
luôn coi việc nghiên cứu là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với
công tác đào tạo ở bậc đại học, nhất là với các trung tâm nghiên cứu
khoa học cơ bản như Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp Tp
Hồ Chí Minh trước đây và hiện nay là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học
Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Bởi không nghiên cứu sẽ không thể cập nhật với
trình độ khoa học của thế giới và không thể có “vốn” để đào tạo các sinh
viên và nghiên cứu sinh. Cho nên, ngay từ ba, bốn chục năm trước, ông
đã cùng với nhiều nhà giáo lão thành của Bộ môn Ngôn ngữ học (nay là
Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) luôn chú ý
đến việc gắn lý thuyết với thực tiến, gắn việc học tập với nghiên cứu
khoa học ngay trong đội ngũ sinh viên. Có không ít sinh viên giỏi, ngay
từ năm thứ hai, thứ ba đã viết thành công những khoá luận và báo cáo
khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành. Một số sinh viên xuất sắc
được ông hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học (bây giờ gọi là khoá luận
tốt nghiệp cử nhân) ngay sau khi rời ghế nhà trường đã có các bài
nghiên cứu đăng trên tạp chí. Trong số đó, nhiều người đến nay đã trở
thành các nhà nghiên cứu có tên tuổi.
Ảnh: Thành Long
GS. Nguyễn Đức Dân là người sống rất trọng
tình. Đó là cái tình không chỉ ồn ào, thoáng qua mà sâu lắng bền lâu.
Từ năm 1988, do nhu cầu công tác, ông và một số giáo sư lão thành của
ngành Ngữ văn đã vào thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển đội
ngũ các nhà khoa học ở phía Nam sau khi đất nước thống nhất. Con đường
dài hai ngàn cây số không bao giờ làm giảm nhiệt tình của ông đối với
cái nôi khoa học, nơi ông lập nghiệp từ thuở ban đầu. Đó là Khoa Ngữ văn
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hàng năm “đến hẹn lại lên”, ông thường
ra Hà Nội giảng dạy tại các cơ sở đào tạo hoặc tham gia phản biện luận
án tién sĩ ở một số hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước. Ông cũng
là thành viên tích cực tham gia giảng dạy chuyên đề sau đại học và
giảng dạy các môn học cơ bản, nâng cao cho sinh viên hệ Chất lượng cao
của Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Mỗi lần ra Bắc, ông
không quên các học trò cũ của mình nay đang công tác tại trường và các
cơ quan, viện nghiên cứu ở Hà Nội. Ông thường dành những cuốn sách mới
xuất bản đem tặng học trò. Đồng thời ông cũng vô cùng phấn khởi mỗi khi
các trò của mình có một công trình được xuất bản. Cái tình của ông thật
trầm lắng mà sâu sắc. Nó được thể hiện ở mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi phút trò
chuyện. Không chỉ có niềm vui, mà ngay cả ai đó có nỗi buồn, gặp trắc
trở hay oan khiên, ông đều cảm thông, chia sẻ, động viên bằng những lời
mộc mạc nhưng vô cùng cảm động.
GS. Nguyễn Đức Dân còn là một người nhiệt
huyết và đầy trách nhiệm. Nhắc đến ông, mặc dù mấy chục năm đã trôi
qua, nhưng đến nay nhiều người trong Khoa Ngữ văn vẫn còn nhớ đến công
lao không nhỏ của ông trong việc kiến tạo ra những mối quan hệ hợp tác
với nước ngoài. Đó là năm 1979-1980, khi sang giảng dạy tại Đại học
Paris 7 (Cộng hoà Pháp) ông đã mở ra một chặng đường mới trong hợp tác
giảng dạy giữa hai trường Đại học Paris 7 và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có
nhiều chuyến công du của các thầy cô giáo Khoa Ngữ văn sang nước Pháp
bắt đầu từ đây. Chỉ riêng việc tạo cầu nối cho những người đi sau tiếp
tục “xuất dương” có thể nói ông là một người rất có ý thức trách nhiệm
đối với đồng nghiệp và thế hệ trẻ.
Sự nghiệp đào tạo của giáo sư đã trải qua
gần nửa thế kỷ. Bây giờ khắp ba miền Trung - Nam - Bắc đều có những học
trò được ông đào tạo đã trở thành các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ.
Không những thế, ông còn có công đào tạo nhiều sinh viên, nghiên cứu
sinh nước ngoài. Cho đến nay, ông đã hướng dẫn thành công tổng cộng là
10 luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ.
Được Nhà nước phong hàm Giáo sư từ năm
1996, ông luôn phát huy những năng lực chuyên môn của mình để vừa giảng
dạy, vừa nghiên cứu và đào tạo các thế hệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Cho đến nay, ngoài các bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành ông còn
cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Dictionnaire de fréquence du Vietnamien, Ngôn ngữ học thống kê: Tuyển tập tiếng cười thế giới, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (viết chung), Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Lôgích và tiếng Việt, Tiếng Việt: dùng cho đại học đại cương, Nhập môn thống kê ngôn ngữ học, Ngữ dụng học, Thống kê ngôn ngữ học: một số ứng dụng, Nhập môn Logic hình thức & Logic phi hình thức, Từ câu sai đến câu hay.
Năm nay, GS. Nguyễn Đức Dân sắp bước sang
tuổi 79. Các thế hệ học trò vẫn đang chờ đón những bài giảng của ông để
học ông một phong cách làm việc, rèn luyện và phấn đấu không mệt mỏi
cùng với những tri thức mà ông đã tích luỹ của một đời tâm huyết làm
thầy và làm khoa học.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN ĐỨC DÂN
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Dictionnaire de fréquence du vietnamien (avec la collaboration de Lê Quang Thiêm), Ed. Paris VII, 1980.
Ngôn ngữ học thống kê , NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1984.
Logic - ngữ nghĩa - cú pháp, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1987.
Lôgích và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.
Ngữ pháp tạo sinh,NXB Đại học Quốc gia Tp HCM, 2012.
Từ câu sai đến câu hay, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2013.
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/en-US/news/Mot-nha-giao-tam-huyet-voi-nghe-1-490-12475
|