Wednesday 16 March 2016

GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: "Con đường khoa học có nhiều điều thú vị." (Tâm Trần & Lãng Du - Vietnam Journal of Science)

GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: "Con đường khoa học có nhiều điều thú vị."  

(http://www.vjsonline.org/scientist-portrait/gsts-nguy%E1%BB%85n-v%C4%83n-tu%E1%BA%A5n-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-khoa-h%E1%BB%8Dc-c%C3%B3-nhi%E1%BB%81u-%C4%91i%E1%BB%81u-th%C3%BA-v%E1%BB%8B)



GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là một nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng trên thế giới với hơn 250 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí y khoa và khoa học quốc tế. Ông hiện đang là Principal Fellow (1) đứng đầu một lab chuyên nghiên cứu về di truyền và dịch tễ học loãng xương thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc), là giáo sư y khoa của Đại học New South Wales, là giáo sư xuất sắc của Đại học Công nghệ Sydney, và là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Khon Kaen (Thái Lan) và Đại học Tôn Đức Thắng. Ông bảo vệ thành công hai bằng tiến sĩ tại Đại Học Sydney (chuyên ngành thống kê dịch tễ học) và Đại Học New South Wales (chuyên ngành y khoa). Ông có kinh nghiệm làm nghiên cứu tại nhiều nước như Thuỵ Sỹ, Anh, Mĩ, Na Uy, Thái Lan, và hợp tác với hơn 30 viện, bệnh viện và nhiều trường đại học trên thế giới. Giáo sư Tuấn rất nổi tiếng trong nước với nhiều bài phỏng vấn, sách báo và nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cho nghiên cứu, đào tạo tại Việt Nam. Ông là một trong 15 nhà khoa học được trao giải thưởng “Vinh danh Nước Việt” vào năm 2005
Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, giáo sư có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn khi làm việc trong một môi trường quốc tế đòi hỏi tính chuyên môn cao?
Tôi nghĩ đối với khoa học, việc làm việc ở nhiều nước khác nhau sẽ cho chúng ta một viễn cảnh luôn tươi mới và có nhiều cơ hội tiếp cận với sự phát triển của chuyên ngành. Mỗi một lab hay nhóm nghiên cứu tôi đi qua hoặc có hợp tác đều cho tôi một vài ý tưởng, và một số bài học về cách tổ chức cũng như văn hoá khoa học. Thật ra, tôi cũng có những đóng góp về nhiều khía cạnh cho những lab mà mình từng ghé qua. Do đó, tôi lúc nào cũng khuyến khích nghiên cứu sinh của mình tìm cơ hội làm việc với những nhóm nghiên cứu khác nhau thay vì làm cùng một vị trí một thời gian quá dài. Ngoài ra, việc ghé qua và làm việc ở nhiều nơi cũng là những cơ hội phát triển nghề nghiệp, và nhất là học về kĩ thuật mới. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng được làm việc trong một môi trường quốc tế, tiếp cận với nhiều nền khoa học khác nhau là một điều thuận lợi chứ không phải khó khăn.
Giáo sư có thể cho biết động lực nào đưa ông đến với con đường nghiên cứu khoa học và đặc biệt là chuyên ngành loãng xương mà ông đang theo đuổi bây giờ?
Trước khi đến với khoa học, khi còn trẻ tôi là một phụ tá trong nhà bếp ở bệnh viện mà tôi đang làm việc hiện giờ. Sau đó là phụ tá cho một bác sĩ nổi tiếng ở đây về quản lí và phân tích dữ liệu. Tôi thấy việc phân tích dữ liệu trong khoa học cũng rất hấp dẫn đối với mình, vì nó kích thích suy nghĩ và tìm tòi cái mới, nhưng lúc đó tôi không được đào tạo bài bản nên có khi … bí. Thế là tôi quyết định trở lại con đường học vấn và hoàn thành bằng tiến sĩ đầu tiên, và tôi tự nghĩ mình đã nắm vững kĩ thuật. Nhưng sau khi tham gia nhiều hội thảo, tôi thấy kĩ thuật vẫn chưa đủ, và nghĩ mình phải trở thành một nhà khoa học chuyên nghiệp, chứ không phải người hỗ trợ cho nhà khoa học, và do đó tôi quyết định theo học tiếp và tôi đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền trong loãng xương. Có thể nói tôi là người may mắn, vì gặp được những người thầy rất tài, rất tốt và đáng mến. Họ là những chuyên gia số 1 trên thế giới, họ đã động viên và tạo điều kiện cho tôi rất nhiều. Trong thời gian học bằng tiến sĩ thứ hai, tôi may mắn được theo học với một người thuộc vào bậc thầy của thầy, và ông đã cho tôi độc lập theo đuổi hướng nghiên cứu do tôi chọn (vì lúc đó tôi không phải là nghiên cứu sinh mới vào nghề). Tôi công bố hơn 10 bài báo trong vòng 5 năm, trong đó có những bài được trích dẫn hơn 800 lần. Với những công trình có ảnh hưởng lớn như thế và với uy danh của lab cũng như của thầy, tôi trở thành một “tên tuổi” trong chuyên ngành loãng xương khá nhanh so với các đồng nghiệp khác. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy môi trường khoa học tinh hoa và người thầy tốt đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của một cá nhân nhà khoa học.
Con đường nghiên cứu khoa học của giáo sư khá thú vị, ông có thể chia sẻ với đọc giả của VJS những kỉ niệm vui buồn, ý nghĩa nào làm ông nhớ và tâm đắc trong sự nghiệp của mình?
Người làm khoa học có những nỗi khổ riêng. Họ thường là những người khá cô đơn, vì khi theo đuổi những đề tài chuyên môn hẹp họ có rất ít người chia sẻ. Họ phải cạnh tranh trên bình diện toàn cầu vì nói cho cùng hoạt động khoa học không có biên giới, mà cạnh tranh về ý tưởng hay để được ghi nhận “người tiên phong” thì thường rất ác liệt. Nhà khoa học phải phấn đấu và vượt lên đám đông để được đồng nghiệp công nhận. Ở một vị trí cao, nhà khoa học còn phải đau đầu với việc tìm tài trợ cho nghiên cứu và để giữ gìn nhóm nghiên cứu tồn tại. Nói chung, những nỗi khổ này ít ai biết, và do đó tôi nghĩ các nhà khoa học thường ít nói và cô đơn cũng có lí do của họ.
Cá nhân tôi cũng có vài kỉ niệm vui buồn. Đôi khi có những công trình mà tôi rất tâm đắc lại không có nhiều ý nghĩa trong cộng đồng, và ngược lại, có những công trình tôi không “mặn mà” mấy nhưng lại trở nên nổi tiếng. Có khi tôi cũng bực mình khi đi dự hội nghị người ta nói về công trình của mình mà lờ qua tác giả! Trong sự nghiệp của mình, tôi cũng có nhiều kỉ niệm rất thú vị và … buồn cười. Như trong một lần ngồi tán gẫu với bạn bè cũng là nhà khoa học, bỗng nhiên có một cô gái có vòng một “cực khủng” đi ngang qua; bạn tôi khẳng định vitamin D có vai trò hết sức quan trọng trong “vấn đề” này. Thật ra, tôi nghĩ đó chỉ là lời nói đùa. Thế mà từ đó chúng tôi thảo luận và bắt đầu tiến hành nghiên cứu trên quần thể những người sinh đôi và cho kết quả rất khả quan về một marker chu chuyển xương. Từ công trình đó, chúng tôi theo đuổi một công trình tiếp nối về mật độ xương, và cuối cùng công trình của chúng tôi được chấp nhận đăng trên tạp chí Nature. Đó cũng là một kỉ niệm hết sức thú vị.
Sắp tới giáo sư có dự án đặc biệt nào không? Được biết giáo sư có nhiều hoạt động xã hội tại Việt Nam, ông có thể chia sẽ thêm về vấn đề này?
Tôi đang viết một đề cương nghiên cứu mới về nguyên nhân của bệnh loãng xương theo phương pháp mới, hi vọng đề án sẽ được chấp nhận. Còn về hoạt động xã hội thì tôi chẳng có hoạt động gì cả; những việc tôi làm ở Việt Nam chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo. Về khoa học, tôi đã hợp tác với nhiều đồng nghiệp ở Việt Nam trong hơn 15 năm qua, và đã công bố trên 30 bài báo khoa học trên các tập san y khoa quốc tế, một số tập san thuộc vào loại hàng đầu trong chuyên ngành. Mới đây, chúng tôi mới thành lập một nhóm nghiên cứu về cơ xương khớp ở Đại Học Tôn Đức Thắng với định hướng tập trung vào những nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác thành lập một nhóm nghiên cứu bài bản như vậy tại Việt Nam, trong tương lai gần sẽ tiến tới thành lập những cơ sở nghiên cứu cơ bản và lâm sàng. Nhóm hiện nay có bảy người, mặc dù chỉ mới thành lập nhưng đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Một lĩnh vực khác tôi rất quan tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu cho đồng nghiệp Việt Nam. Trong 15 năm qua, tôi đã thực hiện hàng trăm seminar và trên 20 workshop ở khắp mọi miền Việt Nam, mỗi workshop kéo dài từ 3 đến 15 ngày, và thường có trên 100 người tham dự. Các workshop này tôi tập trung vào phương pháp nghiên cứu khoa học, kĩ năng phân tích dữ liệu, kĩ năng viết và công bố bài báo khoa học, v.v. Những lớp tập huấn này giúp ích cho khá nhiều bạn trong việc chuẩn bị cho nghiên cứu và làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Ngoài ra, tôi còn phối hợp với các đồng nghiệp trong nước tổ chức các hội nghị khoa học về loãng xương cấp quốc gia và quốc tế.
Tôi quan tâm đến tình hình nghiên cứu khoa học và giáo dục trong nước. Do đó, tôi đóng góp khá nhiều bài báo về hai lĩnh vực này trên báo chí phổ thông, một số bài thật ra là những phân tích nghiêm chỉnh về đo lường khoa học. Tôi đã viết và xuất bản 12 cuốn sách ở Việt Nam. Sách của tôi bao gồm nhiều lĩnh vực như chất độc da cam, loãng xương, bàn về y tế và y khoa, phương pháp nghiên cứu, kĩ năng nghiên cứu, chất lượng giáo dục đại học, v.v. Những cuốn sách này cũng nhận được sự quan tâm của công chúng, có cuốn được tái bản 3 lần và chiếm giải. Nói chung, đây là những việc làm có thể xem là bên lề, nhưng nó đem lại nhiều niềm vui cho tôi.
Giáo sư có thể cho đọc giả biết về những nhận định của mình về tình hình nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay nói chung và về lĩnh vực y học nói riêng?
Về tình hình nghiên cứu khoa học hiện nay tại Việt Nam, nói thật là tôi thấy có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết hay cải cách. Từ việc chọn đề tài, phân bổ ngân sách nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu và cả đầu ra, tôi thấy tất cả đều có vấn đề. Cách chọn đề tài nghiên cứu có phần không đúng với chuẩn mực khoa học. Những đề án quan trọng tiêu tốn nhiều ngân sách nhà nước được phân bổ cho những người không có năng lực thật sự trong khi những người có năng lực thật sự lại không được lựa chọn. Tôi lấy ví dụ những đề tài như nghiên cứu về tăng chiều cao người Việt bằng việc thay đổi gen tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng ý nghĩa thiết thực của nó không cao. Kinh phí nghiên cứu được cung cấp không công bằng. Kinh phí thật sự cho nghiên cứu không nhiều và xảy ra rất nhiều tiêu cực. Rồi đến vấn đề nghiệm thu, công trình được xếp vào ngăn tủ và không có được những bài báo quốc tế có giá trị. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có những mảng hơi sáng trong việc quản lí nghiên cứu khoa học ở Việt Nam như là Quĩ NAFOSTED, bước đầu mang lại nhiều bài báo khoa học cho Việt Nam. Ở nhiều lĩnh vực khoa học, có thể nói rằng khoa học Việt Nam mang tính lệ thuộc, bởi vì phần lớn nghiên cứu đều do người nước ngoài chủ trì và người Việt chỉ đóng vai trò khiêm tốn. Đó là một điều rất đáng quan tâm.
Sinh viên Việt Nam tại nước ngoài được đánh giá là rất chăm chỉ, cần cù tuy nhiên khả năng sángtạo lại không cao? Ông có lời khuyên nào cho sinh viên Việt Nam để nâng cao tính cạnh tranh với sinh viên các nước khác?
Nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng sinh viên Việt Nam rất thông minh, hay chẳng kém bất cứ sinh viên nào ở các nước phương Tây. Tôi cũng muốn tin như thế, nhưng chứng cứ thì hình như không có. Tôi nghĩ nếu chỉ lấy vài trường hợp xuất sắc ra làm ví dụ thì e rằng không phản ảnh đúng tình hình chung. Sự thật là nhiều sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài học tập cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua kém các sinh viên khác. Trong nghiên cứu khoa học, tôi thấy sinh viên Việt Nam thường gặp phải một số khó khăn tiêu biểu như thiếu đào sâu suy nghĩ về chủ đề nghiên cứu, có ý nghĩ bỏ cuộc khi gặp vấn đề, kém tiếng Anh (kể cả viết và diễn thuyết), và kĩ năng tranh luận trong khoa học. Do đó, tôi nghĩ sinh viên Việt Nam mình cần cố gắng đào sâu suy nghĩ. Việc học tập hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nặng tính đọc chép và thiếu kĩ năng phát hiện vấn đề và tự giải quyết vấn đề. Tôi có hướng dẫn nghiên cứu một vài em sinh viên Việt Nam, ban đầu các em có vẻ quen với việc cầm tay chỉ việc. Tôi nói với các em rằng ở bên này tất cả các công việc đều phải độc lập còn người thầy chỉ giúp định hướng nghiên cứu là chính thôi. Sau một thời gian các em cũng quen với cách làm việc và đạt được nhiều kết quả rất tốt. Do đó tôi tin là nếu sinh viên Việt Nam muốn cạnh tranh tốt thì cần phải rèn luyện tư duy độc lập, hiểu sâu vấn đề và kĩ năng giao tiếp trong khoa học.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.
Thực hiện: Tâm Trần-Lãng Du
(1) “Principal Fellow” là một chức danh khoa học cao cấp thuộc vào nhóm tinh hoa (elite) của Úc.

Tuesday 15 March 2016

GS. Nguyễn Văn Tuấn chính thức là giáo sư thỉnh giảng của Trường đại học Tôn Đức Thắng (FOSTECT Media)

Hoạt động nghiên cứu

GS. Nguyễn Văn Tuấn chính thức là giáo sư thỉnh giảng của Trường đại học Tôn Đức Thắng 

(http://www.tdt.edu.vn/index.php/2013-10-22-02-02-04/ho-t-d-ng-nghien-c-u/926-gs-nguyn-vn-tun-chinh-thc-la-giao-s-thnh-ging-ca-trng-i-hc-ton-c-thng)

Ngày 26/09/2013, GS. Nguyễn Văn Tuấn thuộc Viện nghiên cứu Y khoa GarvanTrường đại học New South Wales (Úc) đã chính thức là giáo sư thỉnh giảng của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Đây là một vinh dự rất lớn cho Trường đại học Tôn Đức Thắng, vì GS. Nguyễn Văn Tuấn là một nhà khoa học lớn của thế giới và là một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực.
Dưới đây là sơ lược vài nét về ông.  
h1.jpg
GS. Nguyễn Văn Tuấn chủ tọa buổi tọa đàm tại Trường đại học Tôn Đức Thắng
GS. Nguyễn Văn Tuấn tốt nghiệp tiến sĩ dịch tễ học/thống kê học tại Đại học Sydney (Úc) và tiến sĩ y khoa tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New  South Wales, Sydney, Úc. Hiện nay, ông là là giáo sư y khoa tại Khoa Y, Đại học New South Wales, Sydney, Australia. Ông còn là thành viên của Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu y tế và y khoa, và lãnh đạo một chương trình nghiên cứu về loãng xương tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Bệnh viện St Vincent’s.  Ông là một nhà khoa học nổi tiếng trong thế giới loãng xương quốc tế, qua những đóng góp cho chuyên ngành và hội đoàn chuyên môn.  Ông đã công bố trên 200 công trình khoa học trên các tập san danh tiếng trên thế giới như New England Journal of Medicine, JAMA, Annals of Internal Medicine, British Medical Journal, Lancet, Nature, Nature Genetics, Nature Review Endocrinology, JBMR, JCEM. Tổng số trích dẫn của các công trình của ông là trên 15,000 (tính đến ngày 28/2/2013). Tính trung bình, chỉ số trích dẫn là 66, với 40 công trình có trên 100 trích dẫn, 5 công trình >500 trích dẫn, và chỉ số H là 65. Hầu hết các công trình của ông thuộc loại SCI (theo phân loại của ISI), được xếp hạng nhất theo Quy định số 584/2013/TĐT-QĐTT về Tiêu chuẩn đánh giá công bố khoa học quốc tế của Trường đại học Tôn Đức Thắng; và nhiều công trình được xếp hạng ngoại hạng theo Quy định số 584/2013/TĐT-QĐTT. Có thể xem thêm về công bố khoa học của ông trên Google Scholar.

GS. Nguyễn Văn Tuấn đóng góp cho chuyên ngành qua hoạt động trong các hiệp hội quốc tế. Ông phục vụ trong hội đồng khoa học của Hội loãng xương Mỹ (Scientific Committee, ASBMR), phục vụ trong ban biên tập các tập san y khoa trong ngành nội tiết và loãng xương như Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Journal of Bone and Mineral Research, Osteoporosis International, Journal of Clinical Densitometry, BMC Musculoskeletal Disorders, v.v. Ông còn là chuyên gia bình duyệt cho khoảng 20 tập san y khoa quốc tế và các tổ chức cấp tài trợ quốc tế như WHO, Wellcome Trust, ARC, NIH, NHMRC, bình duyệt đơn đề bạt chức danh giáo sư cho các đại học ở Mĩ, Hà Lan, Phần Lan, Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, Thụy Điển, Thái Lan, và Hồng Kông.  Ông còn là khách mời giảng thường xuyên trong các hội nghị cấp quốc gia (Úc) và quốc tế từ Mĩ sang Âu châu và Á châu.  Ông là giáo sư thỉnh giảng tại các Đại học UCSD (Mĩ), UC Irvine (Mĩ), Tromso (Na Uy), Khon Kaen (Thái Lan), ĐH Y Hà Nội.

Ông đã và đang có nhiều hợp tác nghiên cứu khoa học với đồng nghiệp trong nước về các lĩnh vực loãng xương và đào tạo nghiên cứu khoa học. Trong thời gian 10 năm qua, ông đã giảng trong hơn 20 chương trình huấn luyện dưới hình thức workshop, seminar, và  symposia tại nhiều đại học và bệnh viện khắp nước. Các lớp học hè về phương pháp nghiên cứu của ông được hàng ngàn đồng nghiệp chào đón nồng nhiệt. Ông đã xuất bản 12 quyền sách ở Việt Nam, và cuốn mới nhất (“Từ nghiên cứu đến công bố”) được xem là một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn “Đi vào nghiên cứu khoa học” của ông được trao giải thưởng Sách Hay 2013. Ngoài ra, ông còn được bằng khen từ Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban Nhân dân TPHCM, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, Hội Y học TPHCM, Hội loãng xương TPHCM, v.v. về những đóng góp của ông cho khoa học Việt Nam.

Monday 14 March 2016

Bên khinh, bên trọng

Người ta không dẫn nguồn là người ăn cắp ; mình không dẫn nguồn, đó là mình quên.

Các nhà khoa học khác không có quyền sai sót, cẩu thả ; chỉ một nhà khoa học được phép nhận lỗi sai sót, sơ suất, cẩu thả, đó là mình. 

Khi mình bức xúc điều gì, mình tung ngay lên mạng xã hội và không cảm thấy buồn. Khi người khác bức xúc về mình, tại sao họ không liên lạc với cá nhân mình mà lại vào mạng, làm cho mình buồn?

Mình đánh nhiều người nên không mắc tội đấu tố. Nhiều người đánh mình, ấy là đấu tố.

Mình từng đạp đổ người khác xuống bùn trên tinh thần xây dựng. Vì vậy có ai xây dựng cho mình, mình ngửi ngay thấy mùi bùn.

Mình lên án kẻ cắp nhưng chưa từng giận ai ăn cắp văn mình. Mình ăn cắp nhưng chỉ giận mình thôi chứ không thấy mình đáng lên án.

Mình lên án ai là mình tố cáo. Ai lên án mình, kẻ đó vu cáo.


Người khác ăn cắp là gây tổn hại đến nước nhà. Mình ăn cắp chỉ làm các bạn khó chịu thôi, cho mình xin lỗi.

Người khác làm sai, mình biết ngay. Mình làm sai, mình không biết. Nếu các bạn nghĩ mình sai, nói mình sai, mình xin lỗi ngay.

Người khác chưa bao giờ phát sốc, phát sốt vì mình? Nhưng mình mấy hôm nay đang ở tâm bão. 

Bao giờ người ta sẽ liên lạc với báo chí? Nếu đăng ở Tuổi Trẻ hay Tia Sáng thì mình chả sợ. Họ muốn mình biến mất trong giới học thuật thì họ mới hài lòng ư? Mình sẽ bình thản ra đi vì mình đã biết là chơi dao có ngày đứt tay.

Mình là giáo sư, có nhiều công bố quốc tế, từng giúp nhiều người bên nhà nên sự ra đi của mình chắc chắn sẽ là một tổn thất lớn cho ai đó. Mình đang háo hức chờ xem vắng mợ chợ có còn đông không.


 

Sunday 13 March 2016

Đạo văn (Nguyễn Văn Tuấn - Blog Ngô Thế Bình)

Tôi lại trở thành một đối tượng bị tấn công trong không gian mạng. Lần này, có người vu cáo rằng tôi đạo văn trong những bài hướng dẫn về cách viết bài báo khoa học. Tôi có thể khẳng định rằng tôi không hề đạo văn ai cả, nhưng tôi xin giải thích để bạn đọc an tâm.
Cách đây khá lâu, chắc cũng gần chục năm, tôi đặt cho mình mục tiêu quảng bá cách viết bài báo khoa học. Tôi sưu tầm những ví dụ từ bài vở, từ các bài báo khoa học trên các tập san như Science, Nature, NEJM, sách, báo chí, v.v. để viết những bài hướng dẫn về cách viết bài báo khoa học. Một số bài là của chính tôi đã công bố trên mấy tập san y khoa, một số bài là từ bạn tôi, một số từ sách. Lúc đó, tôi chỉ viết dưới dạng "note" và viết nhanh đăng trên website cá nhân. Tôi không dịch, mà chỉ đọc và nắm lấy ý chính, rồi viết lại theo kinh nghiệm cá nhân mình. Đây không phải là những bài báo, càng không phải là journal articles, mà chỉ là note, do đó tôi chưa quan tâm đến nguồn. Rất nhiều bài báo phổ thông cũng không cần đề nguồn. Thật ra, nhiều bài đều có đề nguồn. Vả lại, thời đại này, chỉ cần google là ra ngay.
Nhưng sau đó không lâu thì website của tôi bị đánh sập, nên mất hết bài vở. Sau này, tôi quay về blog, và phải sưu tầm lại những bài tôi đã bị mất. Đến khi tìm lại bài từ các trang blog khác, tôi gom góp về trang blog của mình. Nhưng cũng không đầy đủ, và đó chính là lí do tại sao bài vở trên trang blog rất rời rạc, chẳng có hệ thống gì cả. Và, cũng là lí do tại sao có bài thì ghi nguồn, có bài không có nguồn. Tuy nhiên, có note tôi ghi nguồn của các ví dụ, có note tôi không/chưa ghi nguồn vì tìm không ra chi tiết. Khi tìm ra chi tiết (do bạn đọc cung cấp) tôi ghi rõ nguồn. Thật ra, tôi chỉ lấy ví dụ để minh hoạ cho một điểm nào đó. Có những câu văn mang tính quá phổ biến (kiểu như "It has been shown that ...") thì tôi không nghĩ là cần đề nguồn.
Đến khi nhà xuất bản gom góp lại in thành sách, và có lẽ do áp lực thời gian, nên tôi không kiểm tra kĩ. Thật ra, một người như tôi mà làm như thế (không ghi nguồn) thì các bạn lên án nghiêm khắc là đúng, và tôi không hề giận dỗi. Tôi giận mình thì đúng hơn. Đó là do tôi sơ suất chứ hoàn toàn không đạo văn.
Một người như tôi, với kinh nghiệm viết rất nhiều bài báo khoa học và báo chí phổ thông thì tôi không đến nỗi thiếu chữ để đạo văn người khác. Tôi cũng từng giảng dạy về cách viết bài báo khoa học, trong nước cũng như ngoài nước, do đó tôi biết thế nào là đạo văn. Tôi nhấn mạnh là những gì tôi trích dẫn là ví dụ hoặc những đoạn mang tính phổ biến trong khoa học mà rất nhiều tác giả dùng. Do đó, cho rằng tôi đạo văn là không đúng. Nói rằng tôi sơ suất hoặc cẩu thả thì tôi chấp nhận. Và, tôi thành thật xin lỗi về sai sót đó.
Chúng ta, như tôi hay nói, học lẫn nhau. Các bạn nếu thấy tôi sai sót thì cứ viết cho tôi để chỉnh sửa. Rất nhiều bạn đọc đã làm như thế. Họ viết cho tôi yêu cầu chỉnh sửa từ câu văn, chính tả, đến nguồn gốc những con số và ý tưởng. Khi nhận được những thư như thế, tôi rất cám ơn, và hứa chỉnh sửa. Tôi thấy rất buồn khi có bạn không làm như thế mà la toáng lên rằng tôi đạo văn! Nếu các bạn ấy muốn hạ uy tín của tôi thì các bạn ấy đã ở mức độ nào đó thành công.
Những ai từng theo học trong các lớp học do tôi giảng dạy, hay những nghiên cứu sinh của tôi trong nước cũng như ngoài nước đều biết tôi là người như thế nào, và tôi đã làm gì. Tôi thấy không cần phải đính chính về ý định của mình.
Tôi đã tham gia sinh hoạt học thuật ở nước ngoài nhiều năm, đã từng ngồi trong các hội đồng hoà giải, nhưng chưa bao giờ chứng kiến những "đấu tố" học thuật như cá nhân tôi đang trải qua. Tôi hiểu rằng những gì mình đang hứng chịu là một loại "karma", nhưng tôi cũng muốn nói ra để các bạn biết rằng ở tuổi này, tôi đã và đang chứng kiến karma xảy ra cho mọi người, chứ chẳng riêng tôi. Tôi từng trích một câu nói của một hiền nhân [đại khái] rằng đạp đổ người ta xuống bùn thì rất dễ, nhưng tạo điều kiện để mình cùng với người ta đi lên và đi xa thì rất khó. Tôi chỉ mong muốn chúng ta đối xử với nhau một cách tử tế và trong tinh thần thân thiện.
Trong thực tế, tôi cũng là nạn nhân của nhiều vụ đạo văn. Người ta lấy bài của tôi rồi đăng lại, đề tên tác giả khác mà quên tôi. Nhưng vì trong blog nên tôi cũng chẳng có gì phàn nàn. Có người lấy bài của tôi viết luận án tiến sĩ, nhưng tôi cũng không phàn nàn, mà chỉ báo riêng cho bạn đó biết để ghi nguồn. Tôi không thấy giận và cũng chẳng cần phải lên án người ta, vì tôi muốn tìm cách giúp người ta tốt hơn.
Cả đời tôi chỉ tâm niệm cố gắng tìm mọi cách để giúp cho nền khoa học nước nhà tốt hơn. Những cách đó bao gồm cả đào tạo nghiên cứu sinh, hợp tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và chuyển giao công nghệ. Tôi không nghĩ mình đã làm gì gây tổn hại đến nước nhà. Nhưng nếu tôi có làm gì gây khó chịu cho các bạn hay hiểu lầm, thì tôi thành thật xin lỗi. Tôi nói ra điều đó không chỉ đơn giản là một câu văn, mà là từ đáy lòng của tôi.
===
TB: Tôi cũng xin nói thêm là sau cái note này 1 tuần, tôi sẽ không xuất hiện trên facebook nữa. Tôi cảm thấy những gì mình đã làm với ý định đem lại lợi ích cho các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh nhưng hoá ra lại đem phiền phức đến cho cá nhân mình! Tôi thành thật xin lỗi các bạn về quyết định có thể nói là khá đột ngột này. Tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thành các dự án đang làm, kể cả một cuốn sách. Dĩ nhiên, các bạn vẫn có thể liên lạc tôi qua email khi cần giúp đỡ.
VỀ CHUYỆN ĐẠO VĂN
NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 12/3/2016
Đây là thư tôi viết cho Bs Võ Xuân Sơn, một người bạn của tôi, như là một giải thích về những lùm xùm trong thời gian qua liên quan đến cá nhân tôi.
Như anh biết, tôi đang ở giữa một tâm bão về những vu cáo. Thật là thời điểm không may mắn vì tôi đang viết đề cương nghiên cứu xin tài trợ cho năm tới (ở bên này, tháng này là tháng viết grant). Tôi xin giải thích sự việc như sau:
  1.  Người ta vu cáo rằng tôi đạo văn trong bài hướng dẫn về cách viết đề cương nghiên cứu (1). Thật ra, tôi chẳng đạo văn của ai cả; đó là bài đúc kết kinh nghiệm của tôi về viết đề cương xin tài trợ. Trong bài có rất nhiều ví dụ về cách viết. Những ví dụ đó là từ đề cương NIH của chính tôi và của đồng nghiệp. Khi lấy ví dụ từ đồng nghiệp tôi có ghi rằng "tác giả viết", chứ đâu dám nói là mình viết (vì đó là chuyên ngành của người ta). Không thể xem đó là đạo văn. Sơ suất của tôi là không ghi tác giả là ai, mà thật ra tôi cũng không biết vì những tài liệu đó được phát trong một workshop. Dĩ nhiên, nếu biết tác giả là ai thì tôi ghi nguồn. Nến các bạn nghĩ tôi không đề nguồn là sai, thì tôi xin lỗi ngay tại đây.
  1. Còn trong cuốn "Từ nghiên cứu đến công bố", tôi cũng có dùng nhiều ví dụ về cách viết. Những ví dụ đó là từ bài báo của tôi và của đồng nghiệp. Tôi thấy không cần trích nguồn (hàng trăm) những cách viết có thể nói là rất phổ biến. Còn danh sách những câu văn mở đầu cho từng tình huống thì tôi có nói rõ là từ website nào và từ sách nào (chủ yếu là từ cuốn "English for Writing Research Papers" do Springer xuất bản 2011). 
  1. Còn những bài trên blog về hướng dẫn cách viết bài báo khoa học thì tôi viết qua nhiều năm. Có bài có ghi nguồn, có bài không ghi nguồn. Tôi nghĩ đó là những bài không phải academic writing hay journal articles, nên tôi không đề nguồn. Có thể suy nghĩ đó sai, có thể suy nghĩ đó đúng. Nếu sai thì tôi sẽ sửa lại và ghi nguồn cho đúng và xin lỗi bạn đọc về sơ suất đó.
  1. Tôi đã từng nói rằng tôi không phải là "statistician", không phải là "giáo sư thỉnh giảng" hay "giảng viên cao cấp" của ĐH New South Wales. Tôi có bằng Masters về Statistics từ cuối thập niên 1990, và sau đó làm trợ giảng và theo học tiến sĩ về thống kê học ở ĐH Sydney, và có thời gian làm nghiên cứu ở Thuỵ Sĩ và Anh twin research. Chưa xong thì tôi được "chiêu dụ" về làm ở Viện Garvan cho đến nay. Dù vậy, tôi không bao giờ nhận mình là statistician. Tôi là người được bổ nhiệm chức danh giáo sư của ĐH New South Wales, chứ không phải "thỉnh giảng" hay "giảng viên cao cấp". Có bạn nói rằng không tìm thấy tên tôi trong trang web của Trường thì tôi chịu. Tuy nhiên, Trường có trang web về những công trình của tôi (2). Những thông tin sai về học vị do tôi hay do báo chí, thì tôi chịu trách nhiệm và tôi chân thành xin lỗi về những sai sót đó.
  1. Những giải thích của tôi vẫn còn trong fb của tôi, chứ tôi không có xoá. Nhưng vì hạn chế những thoá mạ trong thời gian qua, nên tôi để ở chế độ cho "friends" đọc. Tuy nhiên, kể từ hôm nay, tôi sẽ tạm ngưng fb trong một thời gian để tập trung vào việc viết đề cương nghiên cứu và các dự án khác.
  1. Tôi rất buồn trong vài ngày qua và cảm thấy sốc về cách hành xử của vài bạn. Ở bên này, khi một sự việc xảy ra liên quan đến cá nhân, người ta trao đổi lịch sự với nhau qua kênh cá nhân để tìm hiểu và minh bạch thông tin hơn, chứ không ai lại tung lên mạng xã hội như là đấu tố. Có bạn email riêng cho tôi nói rằng sẽ liên lạc báo chí và Viện Garvan để công bố những "đạo văn" của tôi. Tôi không thể ngăn cản các bạn ấy. Có thể tôi sẽ biến mất trong thế giới học thuật thì các bạn ấy hài lòng, và nếu đó là ý muốn thì tôi sẽ bình thản ra đi và chẳng trách ai cả.
Có một bạn bên Mĩ khuyên tôi là đừng dính dáng với người Việt nữa, và tôi đang suy nghĩ về lời khuyên này. Những ai từng tiếp xúc tôi, như anh Sơn chẳng hạn, đều biết những gì tôi đã và đang làm cho bạn bè và đồng nghiệp bên nhà. Những nỗ lực cá nhân hơn 15 năm qua tôi thấy cũng có nhiều hiệu quả khoa học mà người ngoài cuộc không thể nhìn thấy (như công bố quốc tế hay hội nghị khoa học, hay giúp nâng cao năng lực nghiên cứu). Nói ra như vậy không phải để biện minh gì cả, mà chỉ để nói rằng có nhiều việc tôi làm cho bên nhà mà các bạn ngoài cuộc và ngoài ngành không biết hết được (vì tôi không nói ra), nhưng tất cả chỉ là giúp đỡ chứ chẳng phải lợi lộc cá nhân gì.
====
(1) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2012/10/cach-viet-e-cuong-nghien-cuu-khoa-hoc.html
(2) https://research.unsw.edu.au/people/professor-tuan-van-nguyen
Nguồn: http://ngothebinh1.blogspot.com.au/2016/03/20160313-gs-nguyen-van-tuan-ao-van.html